NHẬP KHẨU ĐIỀU THÔ SẼ GẶP KHÓ
Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khẳng định, vụ điều năm nay có nhiều diễn biến không bình thường: Giá nguyên liệu có thời điểm tăng 1,7 – 1,9 lần; mùa vụ chậm 1 tháng, nhiều cơn mưa kéo dài dẫn đến tỷ lệ nhân trên vỏ thấp, trọng lượng hạt nhỏ hơn mọi năm. Dự báo sản lượng điều thô trong nước dù đạt khoảng 350.000 tấn (tương đương năm 2010) nhưng lượng nhân thu hồi sẽ kém hơn năm 2010.
Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, ngành điều nhận được thông tin rất xấu: Một số DN nhỏ đã chào bán nhân điều với giá rất thấp từ 3,6 – 3,7 USD/pound (tương đương 7,6 – 7,8 USD/kg), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh chung của toàn ngành điều. “Mức bán phá giá này chắc chắn sẽ gây thua lỗ cho nhiều DN, bởi lẽ nguồn điều thô nhập khẩu năm nay sẽ rất hạn chế do tình hình chiến sự ở châu Phi và sự mở rộng hoạt động của các DN điều Ấn Độ, Braxin” – ông Học nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Công – Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Huy nói: “Nếu DN nào chào bán với giá 7,6 – 7,8 USD/kg thì chắc chắn mỗi tấn điều XK sẽ lỗ ít nhất 400 USD”. Tương tự, đại diện công ty OLam cũng khẳng định: Giá điều thô bên châu Phi đang rất cao, đặc biệt “lính mới” Braxin cũng tham gia thu mua từ 20.000 – 40.000 tấn điều thô, sản lượng chế biến nội địa tại châu Phi cũng tăng mạnh từ 80.000 – 100.000 tấn/năm càng khiến điều thô nhập khẩu thêm khó khăn. Vì thế, chúng tôi ngạc nhiên tại sao một số DN lại đang chào bán với giá rất thấp?”.
Lý giải về nguyên nhân một số DN bán phá giá, nhiều ý kiến cho rằng, chủ yếu các DN này nhận định sai tình hình và đang chịu áp lực nặng nề từ phía ngân hàng. Cụ thể, từ đầu vụ giá điều lên tới 34.000 – 35.000 đồng/kg chủ yếu rơi vào lô điều tốt (tức tỷ lệ nhân thu hồi cao), nhưng về sau chất lượng giảm rõ rệt (tỷ lệ nhân thu hồi thấp) nên giá giảm dưới 30.000 đồng/kg. Một số DN tưởng rằng giá điều đang lao dốc, sợ ôm hàng sẽ lỗ nên đẩy ra chấp nhận giá thấp để lấy vốn thu mua nguyên liệu đợt mới với hy vọng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Công, giá điều thô hiện nay xuống 29.000 đồng/kg nhưng tỷ lệ nhân trên vỏ chỉ còn 27%; còn với giá 35.000 đồng/kg đầu vụ thì tỷ lệ này đạt trên 30%, mẫu mã và màu sắc lại đẹp, XK sẽ được giá cao. Một số DN khác còn cho rằng, sở dĩ có chuyện bán phá giá còn do nhiều DN nhỏ đang thiếu vốn, ngân hàng lại siết chặt tín dụng, lãi suất cao ngất ngưởng, vì thế khi thị trường có biến động DN nhỏ không tỉnh táo rất dễ gặp rủi ro.
NỚI LỎNG TÍN DỤNG VÀ TẠM TRỮ
Theo nhận định của Vinacas, cân đối sản lượng điều thô trong nước khoảng 350.000 tấn, nhập khẩu tối đa khoảng 450.000 tấn, tổng cộng VN sẽ chế biến khoảng 800.000 tấn điều thô trong niên vụ 2011. Tuy nhiên, hiện DN mới thu mua khoảng 250.000 tấn, 550.000 tấn còn lại sẽ tập trung thu mua vào tháng 5 và tháng 6 tới. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là các ngân hàng đều đưa ra hạn mức tín dụng giảm, lãi suất lại rất “khủng”, điều kiện thế chấp vô cùng khó khăn khiến DN (đặc biệt là các DN nhỏ) rất khó tiếp cận vốn.
Vinacas cho biết sẽ tổng hợp tình hình khó khăn để báo cáo Chính phủ và ngân hàng đề nghị có biện pháp nới lỏng điều kiện thế chấp, lãi suất, hạn mức và ưu tiên vốn vay cho DN ngành điều vào tháng 5, tháng 6 tới để nhập khẩu 450.000 tấn điều thô, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các DN chế biến XK đúng tiến độ. Mục tiêu của ngành điều VN năm 2011 là XK trên dưới 200.000 tấn nhân điều các loại, kim ngạch dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD (2010 kim ngạch XK 1,135 tỷ USD).
|
Ông Nguyễn Thái Học cho rằng: “Đáng ra trong tình hình khó khăn chung thì tất cả các DN đều phải chịu rủi ro. Vậy nhưng, thực tế chỉ riêng mỗi ngành ngân hàng với tư cách cũng là DN thương mại lại không phải chịu nỗi khổ này. Chúng tôi đề nghị các ngân hàng phải biết chung tay, chia sẻ khó khăn, thậm chí cả những rủi ro với DN thì mới công bằng”. Ông Học còn nói vui: “Cứ đà này, không khéo các DN ngành điều đều đi lập… ngân hàng hết cho chắc ăn”.
Cùng với nhu cầu về vay vốn, ông Nguyễn Văn Chiểu – Trưởng Ban XTTM của Vinacas cũng đề xuất Chính phủ xem xét có biện pháp hỗ trợ DN mua tạm trữ để giảm thiểu rủi ro và bán được giá tốt. Đồng tình, các DN cho rằng cùng với gạo, cà phê… ngành điều có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD/năm cũng nên được Chính phủ quan tâm hỗ trợ kịp thời. Để hạn chế rủi ro, Vinacas cũng khuyến cáo các DN không vội vàng ký bán kỳ hạn dài (tối đa chỉ 2 tháng) nhằm tránh rơi vào “vết xe đổ” như trước đây (năm 2005 ngành điều từng lỗ tới 1.000 tỷ đồng). Về giá bán nhân điều (loại tiêu chuẩn W320), Vinacas đề nghị đối với DN nhỏ giá bán tối thiểu phải từ 3,9 USD/pound, còn DN lớn phải trên 4 USD/pound với kỳ hạn ngắn.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/77294/Default.aspx