Dịch bệnh thách thức ngành thú y?

21/04/2011

Nước ta đã có tới 6 năm kinh nghiệm để đối phó với dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thế nhưng đến nay, dịch bệnh vẫn bùng phát và lây lan mạnh, khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng đáng kể.

Tiêm vắc-xin định kỳ để phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Sử dụng vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất thì lại phụ thuộc vào nước ngoài! Phải chăng ngành thú y đã bó tay trước dịch bệnh?
Tiêu hủy không xong
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, tính đến ngày 19/4/2011, dịch cúm gia cầm vẫn phát sinh lẻ tẻ, rải rác tại một số địa phương. Do được bao vây, xử lý ngay nên không có hiện tượng lây lan, các ổ dịch vẫn đang được quản lý tốt và chờ làm thủ tục công bố dịch. Hiện, cúm gia cầm đã trở thành dịch địa phương nên nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện là rất cao, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết thay đổi, làm giảm sức đề kháng của gia cầm. Hiện, cả nước có 6 tỉnh là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đắk Lắk, Hà Nam, Bắc Kạn và Quảng Trị có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Trong khi đó, dịch lở mồm long móng (LMLM) vẫn tiếp tục được khống chế và đang có chiều hướng giảm, các ổ dịch LMLM được địa phương xử lý tốt và áp dụng các biện pháp quản lý chặt, giảm thiểu lây lan. Tuy nhiên, đáng lưu ý là vi-rút đã lưu hành rộng rãi trong môi trường, trong đàn gia súc lành bệnh lâm sàng, đặc biệt trong những đàn gia súc nhập lậu vào Việt Nam từ các nước xung quanh có dịch. Vì vậy, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 20 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
Đáng chú ý nhất trong thời gian qua có lẽ là việc bùng phát dịch tai xanh tại 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Trị. Kể từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Long Thành (Yên Thành - Nghệ An) vào ngày 31/3/2011, đến nay dịch đã được ghi nhận ở 17 xã thuộc 3 huyện của 2 tỉnh trên. Đặc biệt, dịch tại Yên Thành vẫn tiếp tục lây lan sang xã mới trong huyện, khiến gần 3.000 con lợn mắc bệnh.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, dịch bệnh xảy ra theo quy luật. Hiện đang là thời điểm giao mùa, vì thế dịch bệnh sẽ có cơ hội bùng phát mạnh hơn. Do đó, chúng ta phải tăng cường quản lý, giám sát, xử lý mạnh mẽ. Đáng lưu ý là cả 3 loại bệnh đang xuất hiện cùng một lúc. Trong khi đó, hiệu quả bảo hộ của vắc-xin chống cúm gia cầm hiện nay không cao, kết quả nghiên cứu mới chưa có. Vì thế, khi chưa có kết quả nghiên cứu khoa học thì tất cả các ổ dịch xảy ra vẫn phải tập trung tiêu hủy, khi có dịch phải khoanh vùng. Đây là biện pháp vẫn được một số nước triển khai, thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại về tình hình xử lý dịch tai xanh tại Nghệ An, Quảng Trị. Khi cùng lúc phải tiêu hủy tới gần 3.000 con lợn, liệu ngành chức năng địa phương có bỏ sót?
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm.
 
Vắc-xin, thiếu
Được coi là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng vắc-xin lại đang có dấu hiệu vi -rút kháng thuốc, khiến tỷ lệ bảo hộ thấp. Ông Phan Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho hay: “Chủng vi-rút cúm gia cầm và LMLM đã có những biến đổi nhất định, có hiện tượng kháng thuốc khi tiêm vắc-xin Re-5 của Trung Quốc, trong khi loại vắc-xin mới là Re-6 đang trong quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm. Chúng tôi đang lo, với đà diễn biến của dịch như hiện nay, rất có thể sẽ phải tiến hành nghiên cứu lại vắc xin xem tỷ lệ bảo hộ như thế nào”.
Đại diện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, các ổ dịch cúm gia cầm từ cuối năm 2010 đến nay hầu hết đều do vi-rút nhánh 2 - 3 gây ra, do vậy việc sử dụng vắc-xin Re-5 cho hiệu quả không cao.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Hoàng Công Sắc nói rằng, công tác giám sát dịch tễ làm tốt nhưng ở cấp Trung ương chỉ có mức độ, quan trọng là các trung tâm vùng. Nhìn sang Thái Lan, quốc gia có nét tương đồng với Việt Nam, trong chăn nuôi họ không hề triển khai tiêm phòng vắc-xin nhưng tại sao dịch bệnh lại không xảy ra? Với Việt Nam, công tác phòng chống dịch bệnh triển khai đã 6 năm nay nhưng hiệu quả quá thấp, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; vắc xin luôn phải phụ thuộc vào nước ngoài. “Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cho các nhà khoa học của nước ta là phải nghiên cứu, tìm ra một loại vắc-xin mới, trị được vi-rút. Nếu cần thiết có thể đưa việc nghiên cứu vắc xin vào dạng sản phẩm quốc gia, Nhà nước không nên tiếc tiền cho công tác nghiên cứu, ông Sắc nhấn mạnh.
Ông Tần cũng cho rằng, lâu nay ngành thú y triển khai phòng chống dịch bệnh mang tính đối phó là chính, vừa vất vả, vừa kém hiệu quả, nhất là phải phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài trong việc mua vắc xin. Đợt dịch vừa qua, Hàn Quốc cũng dính dịch LMLM, khiến nước ta thiếu vắc -xin. Đây chính là một bài học lớn, cần sớm có biện pháp khắc phục.
Trước mắt, ông Tần yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác giám sát chủ động địa bàn, tổ chức giám sát chặt chẽ ổ dịch. Đặc biệt, với dịch tai xanh, các tỉnh Nghệ An và Quảng Trị cần huy động các cơ quan liên quan, nhất là tăng cường phối hợp với cơ quan thú y địa phương tập trung bao vây, xử lý gọn các ổ dịch. Tại những nơi có dịch, tạm thời cấm vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa phương cho đến khi hết dịch. Bên cạnh đó, cần tổ chức giám sát chủ động địa bàn nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các ổ dịch; giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/4/27979.html


Tin khác