Bán cao su non để… ăn chơi

21/04/2011

Tiền vay ngân hàng để trồng cao su chưa trả, nhưng hàng chục hộ dân đã lấy tiền cho thuê vườn cao su để mua sắm, ăn chơi. Nhưng đau hơn là họ bán vườn với cái giá rất “bèo”.

Dù có cả ngàn ha cao su đang khai thác, nhưng rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đăk RTih, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) đã để lọt vào tay tư thương, nên cuộc sống của họ nghèo vẫn hoàn nghèo...
Ươm cây trong gian khó
Hơn 10 năm trước, một dự án cao su tiểu điền được hình thành tại xã Đăk RTih. Thấy rõ cái lợi, Điểu Nơi - một người trong xã đứng ra vận động bà con trồng cao su. “Trồng cao su ư? Làm cây bắp, cây mì không bán được thì còn để đó ăn dần. Trồng cao su, bán không được thì… để vá xe đạp hay sao?”- nhiều người đã hỏi ông Nơi như thế.
Ông Điểu Nơi trong vườn cao su tiểu điền mà ông từng mong ước giúp dân làng mình thoát nghèo.
 
“Nghĩ mình là “cái loa tuyên truyền của cán bộ”, họ ghét đến nỗi thấy ở đâu là đóng sập cửa lại như thấy con ma” - Điểu Nơi thở hắt khi nhớ lại chuyện cũ... Nhưng không vì thế mà ông Nơi nản chí, vẫn tìm cách vận động bà con trồng cao su. Một người, hai người rồi trăm người nghe theo. Gần 1.000ha cao su đã mọc lên.
Song cao su phải đến 7 năm mới cho mủ, người dân chờ không nổi. Họ lại chửi ông, đòi phá vườn cây để trồng ngô, trồng mì. Vậy là ông Nơi lại một lần nữa chạy đôn chạy đáo tìm cái ăn cho dân. Ông bỏ tiền mua giống mì về trồng xen trong vườn cao su. Rồi mua tằm về dạy dân nuôi bằng lá mì…
Cái ăn được giải quyết, họ bắt đầu nghe Điểu Nơi mà lo chăm sóc cao su. Năm 2008, khi cao su bắt đầu mở miệng (cho cạo) cũng là lúc Đăk RTih tiếp tục xảy ra “sóng gió”. Hàng loạt tiểu thương ở các nơi đến “dụ” bà con để chiếm vườn cây.
Bán cao su non để… ăn chơi
Ông Nơi kể: Trong khi người dân còn đang loay hoay với việc khai thác mủ cao su thì thương lái từ Bình Phước, Bình Dương... và các xã lân cận đã “bí mật” dụ dân cho thuê vườn cây để họ khai thác. Vườn nào tốt, đồng đều thì họ trả cho dân chừng 30 triệu đồng/ha. Còn vườn nào có tỷ lệ cây khai thác thấp thì họ tính cây với giá chỉ từ 15-20 nghìn đồng/cây.
Tiền vay ngân hàng để trồng cao su chưa trả, nhưng hàng chục hộ dân đã lấy tiền cho thuê vườn cao su để mua sắm, ăn chơi. Nhưng đau hơn là họ bán vườn với cái giá rất “bèo”. Thời điểm đó, 1ha cao su tốt, đồng đều, nếu tự khai thác phải thu được ít nhất 120 triệu đồng/năm.
Không chỉ thế, để có năng suất mủ cao, tư thương còn bơm chất kích thích vào cây, khai thác một cách bừa bãi không theo đúng quy trình kỹ thuật khiến nhiều vườn cây xuống cấp nghiêm trọng. “Với hơn ngàn ha cao su chia đều cho 500 hộ, lẽ ra dân mình đã giàu lắm. Thế mà…”- ông Nơi xót xa.
Ông Điểu Mông ở bon Mêr Ra - một trong những hộ “sập bẫy” trong đợt đó, kể: “Đang lúc khó khăn, họ trả cho một đống tiền mặt, ai mà không thích. Họ lại còn bảo: Nếu cho thuê vườn, họ sẽ chỉ cho kỹ thuật cạo mủ. Vài ba năm sau, khi dân thành thạo kỹ thuật cạo mủ thì họ trả lại. Nhưng rồi họ chỉ hứa hão...
Còn ông Điểu MRông (thôn 1) cho biết: Trong 4 hộ trồng cao su tiểu điền ở thôn ông thì có 2 hộ đã cho thuê vườn. Nghe đâu do cao su lên giá, nên giá thuê cũng tăng lên 60 nghìn đồng/cây. Nếu tự khai thác, một cây thu được ít nhất 200 nghìn đồng.
“Mất bò” vẫn chưa “lo chuồng”
Sự việc vỡ lở, chính quyền mới ra tay can thiệp. Một mặt tích cực vận động tuyên truyền cho dân, một mặt cấp tốc mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su. Nhưng những nỗ lực ấy của chính quyền cũng chỉ “rộ” lên một lúc rồi thôi. Tình trạng bán non cao su vẫn tái diễn cho đến tận bây giờ. Có điều nó không ồn ã như trước nữa…
Chúng tôi tìm đến nhà Điểu Ngang (thôn 5). Cũng như bao hộ khác, dù có vườn “vàng trắng” nhưng nhà Điểu Ngang vẫn tềnh toàng lắm. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn thuê vườn cao su, ông trả lời cộc lốc: “Chúng bay đến muộn, tao cho nó thuê rồi”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, mấu chốt của vấn đề chính là do “lệ cũ khó bỏ”. Người MNông vẫn chưa sẵn sàng cho việc thức dậy từ 2 giờ sáng để cạo mủ cao su. Vậy có lẽ để “giải cứu” nông dân, chính quyền phải “ra tay” quyết liệt để thay đổi “lệ” này. Và tất nhiên, việc mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật “một cách bài bản” cho dân vẫn là rất cần thiết.
Khác với Điểu Ngang, Điểu Ngơ và hàng chục hộ dân khác, Điểu Lem (bon Mêr Ra) lại đang muốn thoát khỏi “kẻ xấu” nhưng không được: “Thấy vườn cây xơ xác, lòng mình xót lắm. Mình đòi lại thì nó đòi bồi thường hợp đồng. Nhưng nó bảo số tiền nó đưa cho mình lúc đó mua được bao nhiêu vàng thì giờ mua lại chừng đó vàng để trả”- ông Lem than thở.
Theo ông Điểu BLế - Phó Chủ tịch xã Đăk RTih, hiện tình trạng cho thuê vườn cây cao su chỉ còn rải rác. Nhưng ông BLế không biết chính xác những người “rải rác” ấy là ai!
Ông Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cũng khẳng định với chúng tôi: “Thực ra số hộ cho thuê vườn cây còn ít lắm”. Và cơ sở để ông khẳng định đó là từ báo cáo của xã (!?).
Theo ông Quang, từ khi xảy ra tình trạng này, huyện đã trích 100 triệu đồng để đầu tư dao cạo, thùng đựng mủ cho dân. Ngoài việc tuyên truyền cho dân hiểu lợi nhuận to lớn của việc tự khai thác mủ, huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, mở 7 lớp tập huấn cho gần 300 người về kỹ thuật cạo mủ...
Để thấy hiệu quả của những lớp tập huấn này đến đâu, chúng tôi hỏi luôn ông Phó Chủ tịch xã. Ông BLế mang giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp tập huấn kỹ thuật cạo mủ cao su của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Nông ra khoe. Thế nhưng ông lại thừa nhận: “Thực ra kinh nghiệm cũng chỉ có được nhờ thường xuyên làm thôi. Mình không nắm hết kỹ thuật họ dạy được đâu”.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/40091p1c25/ban-cao-su-non-de-an-choi.htm


Tin khác