Phải có "bí kíp" thoát dịch

21/04/2011

Khi “cơn bão” dịch tai xanh, H5N1... nổ ra, hầu hết trang trại chăn nuôi tầm cỡ ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... đều lâm cảnh lao đao do vật nuôi chết vì dịch. Tuy nhiên, vẫn tại mảnh đất đó, giống vật nuôi truyền thống ấy, nhưng một số trang trại thoát được “bóng ma” dịch bệnh liên tiếp cả chục năm liền. Phải chăng, họ có bí kíp gì trong chăn nuôi?

Thời của chăn nuôi công nghệ cao
Ngành chăn nuôi của nước ta có truyền thống cả ngàn đời. Trước đây, các giống vật nuôi truyền thống như trâu, bò, lợn, gà vẫn có dịch bệnh xảy ra nhưng chỉ là một số bệnh phổ thông, người chăn nuôi có thể tự khắc phục. Nhưng, từ khi xuất hiện loạt dịch bệnh do vi rút gây nên như: tai xanh, LMLM, H5N1... chúng nhanh chóng vượt qua tầm kiểm soát của ngành thú y Việt Nam. Đến khi tạm thời khắc phục được chúng thì hậu quả để lại đã trở nên vô cùng nặng nề. Qua đó, chúng ta có thể hình dung được môi trường, quy mô chăn nuôi hiện nay đã khác xưa rất nhiều, lối chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tận dụng cơm thừa canh cặn đã không còn phù hợp.
Sau khi khảo sát một số mô hình trang trại chăn nuôi tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, nơi mà “cơn bão” dịch bệnh đã trở thành cái dớp, chúng tôi vui mừng tìm được một số mô hình chăn nuôi chạm được vào cái “ngưỡng” gọi là công nghệ cao. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y Hải Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 con trâu bò, 586.000 con lợn và trên 8,1 triệu con gia cầm. Trong đó, chiếm 30% là chăn nuôi nhỏ lẻ. Và dịch bệnh xảy ra mấy năm trở lại đây chủ yếu xuất phát từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đó.
Còn những trang trại công nghệ cao, nuôi quy mô lớn của Công ty CP, Dabaco... và một số trại của tư nhân nuôi lớn lại không hề bị dịch. Tiêu biểu có Trại gà Tám Lợi (Ái Quốc - TP Hải Dương) nuôi 140.000 con gà đẻ từ lúc lập trại đến nay chưa một lần bị dịch. Trại lợn Tuấn Hà (Tài Sơn - Tứ Kỳ) nuôi 1.300 nái lợn, dịch bệnh chưa một lần ghé thăm...
Tại tỉnh Bắc Ninh, hai trại lợn và gà của Công ty Dabaco được thành lập gần 10 năm nay nhưng vẫn bình yên trước mọi đợt dịch. Hiện Công ty Dabaco chủ động được tất cả các khâu trong chăn nuôi từ con giống, thức ăn, chăm sóc, thú y và cả chế biến. Có thể nói, cái cách mà công ty này đang vận hành bắt đầu manh nha trở thành mô hình chăn nuôi khép kín công nghệ cao ở Việt Nam. Đây được coi là chìa khóa để chăn nuôi của công ty thoát khỏi dịch bệnh và đạt được thành công như ngày hôm nay.
Chuồng trại vệ sinh như... khách sạn       
Chúng tôi tham quan mô hình Trại lợn Thắng Huyền của anh Vũ Hùng Thắng, xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc - Hải Dương vì hay tin 14 năm chăn nuôi anh chưa biết dịch bệnh là gì. Trang trại của anh Thắng hiện nuôi 200 lợn nái, 1.500 lợn thịt, tạo công ăn việc làm cho 16 công nhân với mức lương từ 2,5 – 4 triệu đồng/tháng. Đến Trại lợn Thắng Huyền đúng lúc chủ nhà đi vắng nên công nhân nhất quyết không cho người lạ vào. Phải đợi 30 phút sau, khi chủ trang trại về chúng tôi mới được vào bên trong. Đầu tiên, ngay sau cánh cổng là một bể nước vôi đặc sệt, xe chúng tôi đều phải “tắm” nước vôi trước khi qua cổng. Anh Thắng chia sẻ, bể nước vôi đó có tác dụng khử trùng.
Ngỏ ý muốn tham quan trang trại, sau một hồi ngần ngừ, anh Thắng miễn cưỡng đồng ý với điều kiện chúng tôi phải thay quần áo bảo hộ mới được tiếp xúc khu chuồng nuôi lợn. Sau khi mặc bộ quần áo xanh lét dày cộm, đeo chiếc ủng và khẩu trang đã được phun thuốc khử trùng, chúng tôi đi dọc dãy hành lang được rải vôi bột dày chừng 1cm tham quan các khu chuồng nuôi lợn. Đó là hệ thống chuồng trại có trần bạt phía trên, xung quanh được xây kín với hệ thống quạt gió hút và thổi ở hai đầu hồi. Phía dưới, hệ thống sàn chuồng nuôi được lát bằng nhựa có dầm sắt đỡ. Đây là hệ thống chuồng treo cách đất khoảng 80cm, sàn chuồng luôn được công vệ sinh sạch sẽ không khác gì nhân viên khách sạn lau sàn nhà.
Ba cái không tham trong chăn nuôi
Với kinh nghiệm của mình, anh Thắng chia sẻ: Thời mà dịch bệnh bất thường như hiện nay, người chăn nuôi không được tham. Thứ nhất, không tham rẻ mua giống không rõ nguồn gốc vì sức miễn dịch yếu do tiêm phòng chưa đầy đủ. Cái tham thứ hai là không nuôi với mật độ quá dày, con vật cũng như con người cần có môi trường trong lành thoáng đãng để phát triển. Và cái tham thứ ba, không nên tận dụng chuồng trại quá nhiều, chuồng nuôi cần có thời gian nghỉ để cắt cầu dịch bệnh giống như cắt cầu sâu bệnh trong trồng trọt vậy.
 
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Thắng cho biết nước để lau sàn là nước sát trùng chứ không phải nước lã bình thường. Đặc biệt, cách anh Thắng bố trí chuồng trại rất khoa học, hợp lý- ở giữa là một ao nước với rất nhiều cây xanh được trồng với mục đích điều hòa không khí, tạo bóng mát cho ba dãy chuồng nuôi. Anh Thắng phân chia lợn thành nhiều nhóm khác nhau để dễ bề quản lý; lợn chửa tháng đầu nhốt riêng, lợn đang bú mẹ nhốt một chỗ và lợn nuôi lấy thịt được phân một nơi khác.
Việc phân chia như vậy sẽ hạn chế tối đa hành động đi lại nhiều vào khu chăn nuôi lợn. Mặt khác, chẳng may dịch bệnh xảy ra khu này cũng sẽ không lây lan sang khu kia. Bình quân, mỗi tháng trang trại nhà anh Thắng dùng hết 6 - 7 tạ vôi, 100 lít thuốc để sát trùng chuồng trại định kỳ. Công tác tiêm phòng dịch bệnh, anh Thắng luôn đôn đốc thú y tuân thủ đầy đủ. Anh Thắng chủ động tự sản xuất giống và thức ăn nên giảm được rất nhiều chi phí trong chăn nuôi và nguồn giống đảm bảo được tiêm phòng.
Nếu xảy ra dịch bệnh ở xung quanh, anh Thắng lập tức đề nghị công nhân ở lại trong trại không ra ngoài, bản thân gia đình anh sẽ cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và chế độ ưu đãi đặc biệt. Nhưng theo anh Thắng, bí quyết để suốt 14 năm qua trang trại lợn của anh không bị dịch bệnh là nhờ chủ động thuê hẳn một kỹ sư thú y riêng luôn túc trực tại trang trại với mức lương cao. Các trang trại thành công trong việc miễn dịch khác tại Hải Dương cũng đều có đội ngũ thú y riêng...
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/77297/Default.aspx


Tin khác