Nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi “sập tiệm”

22/04/2011

Nguyên nhân là các công ty đó không trụ được trước tình hình khó khăn về chi phí đầu vào hiện nay.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đã “sập tiệm”. Nguyên nhân là các công ty đó không trụ được trước tình hình khó khăn hiện nay: Tỷ giá tăng, lãi suất ngân hàng tăng, các chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, cước vận tải, tiền lương, tiền công… đều tăng chóng mặt.

“Các DN sản xuất thức ăn nội địa thực sự khó khăn, không thể cạnh tranh được với các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài vì không thể chịu được mức lãi suất ngân hàng từ 14 – 18%, cộng thêm chi phí khác lên đến 19 – 21%/năm. Trong khi các công ty nước ngoài chỉ vay với lãi suất 2-3%/năm. Nhiều công ty TĂCN trong nước đóng cửa, chuyển sang buôn nguyên liệu” – ông Lịch phân tích.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, cũng cho biết có hơn 30% DN chế biến thức ăn cho cá, tôm đã đóng cửa trong 3 tháng đầu năm 2011.

Theo Hiệp hội TĂCN, từ hơn 400 DN sản xuất TĂCN của 3-4 năm trước hiện chỉ còn khoảng 200 DN và số DN nhỏ nhập khẩu nguyên liệu từ hơn 100 đã gia tăng lên trên 300 DN. “Các DN này lại không nắm vững luật thương mại quốc tế, nên cũng đang gặp nhiều khó khăn, bị “xù” hợp đồng rất nhiều mà không kiện được” – ông Lịch thông tin thêm.

Các chuyên gia trong ngành TĂCN đều đánh giá rằng đang có một sự tái cấu trúc lại ngành này theo hướng các DN nhỏ lẻ chết dần, chỉ còn lại các “đại gia” hoạt động theo quy mô công nghiệp là sản xuất thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi và giết mổ, chế biến…

“Sản xuất theo quy mô công nghiệp như thế mới giảm được chi phí, giảm giá thành và có quy trình tiêm vaccin đầy đủ. Từ đó mới bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm và tính đến chuyện xuất khẩu” – ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty TĂCN Japfa Vietnam (100% vốn Indonesia), chia sẻ. Để có thể làm được như thế, việc liên kết các DN trong nước lại với nhau để cùng tồn tại và phát triển là yêu cầu bắt buộc hiện nay. Sắp xếp lại DN, giảm thiểu tối đa các chi phí, xây dựng chiến lược phát triển hợp lý, bền vững… là những điều các DN cần chú trọng thời gian tới.
AGROINFO – Theo Cafef.vn

Nguồn: http://cafef.vn/20110421020652238CA39/nhieu-doanh-nghiep-thuc-an-chan-nuoi-sap-tiem.chn


Tin khác