Bảo hộ giống cây trồng còn hạn chế

27/04/2011

Công tác đầu tư của Nhà nước cho đào tạo và phát triển giống lúa được ưu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ giống lúa được đăng ký bảo hộ còn rất hạn chế.

Ông Trần Việt Hùng - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết: Khái niệm sở hữu trí tuệ (SHTT) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng đối với VN là khá mới mẻ. Luật chuyên biệt SHTT ở nước ta mới ra đời năm 2005, nên vấn đề SHTT chỉ được tuyên truyền phổ biến rộng rãi khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Việc bảo hộ các giống cây trồng ở VN cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới (ảnh minh hoạ, chụp tại Nam Đàn, Nghệ An).
 
Thưa ông, tình hình nghiên cứu và những kết quả của SHTT ở VN đã có những thành tựu ban đầu. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Hiện số lượng sáng chế trong nước đăng ký tại Cục SHTT tăng 15% hàng năm, trong đó, vai trò của các trường đại học ngày càng lớn. Lượng sáng tạo của những người sáng chế tự do trong thời gian vừa qua cũng tăng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, lượng đơn đăng ký sáng chế của người VN vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10% tổng số đơn đăng ký nộp tại Cục SHTT.
Hiện nay, đã có hàng chục mặt hàng nông sản VN được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, riêng việc đăng ký bảo hộ về giống cây trồng còn hạn chế? Ông có thể cho biết rõ hơn thực trạng này?
“Tỷ lệ các vụ việc vi phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm hơn 90%, các vụ xử tại tòa chưa đến 10%, tuy xử lý nhiều nhưng tính răn đe vẫn còn thấp.” - Ông Trần Việt Hùng
- Theo lộ trình, đến năm 2016 chúng ta phải bảo hộ tất cả các loại cây trồng. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều giống lúa mới ra đời. Công tác đầu tư của Nhà nước cho đào tạo và phát triển giống lúa được ưu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ giống lúa được đăng ký bảo hộ còn rất hạn chế. Tổng số đơn đăng ký bảo hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là 146 trong đó đơn trong nước là 87, nước ngoài là 59. Tổng số bằng bảo hộ đã cấp là 36, gồm 19 giống lúa, 17 giống ngô, trong đó của viện, trường là 9 giống, doanh nghiệp 9 giống, công ty liên doanh với nước ngoài 7 giống và công ty nước ngoài 11 giống.
Theo Luật SHTT VN, đăng ký nhãn hiệu là không bắt buộc đối với các DN hoặc các chủ thể. Đây liệu có phải là hạn chế dẫn đến việc đăng ký bảo hộ cho DN nói chung và nông sản VN nói riêng?
- Đúng là luật pháp không bắt buộc. Tuy nhiên, việc không đăng ký hoặc việc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu sẽ không thực hiện được việc xác lập quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu đó. Lúc đó, DN hoặc các chủ thể có thể gặp khó khăn trong khai thác nhãn hiệu; không có cơ sở pháp lý để kiện cáo hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu của mình; không có cơ sở gốc để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài trong trường hợp hàng hóa của mình có nhu cầu bảo hộ ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu.
Thời gian tới, Cục SHTT có biện pháp gì để nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp về SHTT?
- Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) của Chính phủ sẽ tập trung vào một trong những nội dung quan trọng, đó là nâng cao hiểu biết của toàn xã hội về bảo hộ quyền SHTT. Cục sẽ phối hợp với các Sở KHCN các địa phương xây dựng phát sóng Chương trình "Sở hữu trí tuệ và cuộc sống" trên tất cả các đài truyền hình địa phương. Tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nhân, cán bộ quản lý SHTT, cán bộ các cơ quan bảo đảm thực thi quyền SHTT...
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác