Bảo hiểm bò sữa ở Mộc Châu: Một cách làm hiệu quả

26/04/2011

Tháng 7 tới đây, bảo hiểm nông nghiệp bắt đầu được triển khai thí điểm ở 21 tỉnh, thành phố trên một số đối tượng cây trồng - vật nuôi nhưng tại Mộc Châu (Sơn La), bảo hiểm bò sữa do Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu triển khai trong 7 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người chăn nuôi nhiệt tình hưởng ứng. Qua mô hình này, người ta thấy rõ mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp khi quyền lợi và trách nhiệm hài hòa.

Một góc khu nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Đức Toàn ở Tiểu khu 17, nông trường Mộc Châu (Sơn La).
Xuất phát từ quyền lợi nhà nông
Đến rồi mới thấy, ở Mộc Châu nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp như thế nào. Với cách triển khai bảo hiểm bò sữa theo hình thức này, mỗi hộ chăn nuôi đóng từ 200.000- 600.000 đồng trên loại vật nuôi là bê, bò tơ hoặc bò sinh sản. Khi gặp rủi ro, bảo hiểm hỗ trợ 8 triệu đồng. Số tiền này, cùng với số tiền bán sản phẩm 5-7 triệu đồng, các hộ sẽ có 13-15 triệu đồng, có thể mua được một con bê tơ. Hiện quỹ bảo hiểm vật nuôi của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trong lúc vốn của quỹ nhàn rỗi, Công ty sẽ vay để đầu tư sản xuất và trả lãi suất bằng lãi suất ngân hàng. Hiện, Ban quản lý quỹ bảo hiểm do các hộ chăn nuôi bầu ra gồm 13 thành viên, đại điện cho các khu vực chăn nuôi, bác sĩ thú y, công đoàn, hộ chăn nuôi... Khi có rủi ro, sẽ có một hội đồng đến khám nghiệm, dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi của Công ty để áp tính bảo hiểm hay không. Quỹ do nông dân trực tiếp quản lý, nên khi bò chết, có thể chi trả bảo hiểm ngay cho người chăn nuôi. Tính đến nay, quỹ đã chi bồi thường cho người chăn nuôi 2,9 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, Công ty còn tiến hành bảo hiểm theo giá sữa. Mỗi hộ chăn nuôi đóng 50 đồng/kg sữa tươi, nhưng khi có biến động, giá sữa giảm 25-30% so với giá tiêu thụ hiện tại, bảo hiểm hỗ trợ chi trả bằng 60% giá chênh lệch đó. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng mức tiền thưởng 400-600 đồng/kg sữa đạt chất lượng.
Với cách làm này, Công ty đã góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp họ yên tâm về đầu ra và đặc biệt không lo lắng khi xảy ra những rủi ro. Bằng cách này, trong những năm qua, số hộ tham gia ngày càng đông. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà khi đến Mộc Châu, người ta không khó để nhận ra những triệu phú, tỷ phú đi lên từ chăn nuôi bò. Nhiều người trẻ tuổi giờ đây cũng coi chăn nuôi bò sữa là một trong những cách làm hiệu quả, cho thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/hộ/tháng. Mộc Châu hiện có 7.000 con bò sữa, nhiều con cho sản lượng 12 tấn sữa/chu kỳ 305 ngày, thuộc hàng cao nhất cả nước. Theo ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, mô hình được triển khai từ năm 2004 và đến nay toàn bộ bò sữa đều tham gia bảo hiểm, người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất, tăng thêm đàn và quy mô.
“Phao cứu sinh” của người chăn nuôi
Đánh giá về hiệu quả và tính bền vững của mô hình bảo hiểm bò sữa triển khai ở Mộc Châu, GS.Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bảo hiểm phải bắt đầu từ ý nguyện của người tham gia. Mô hình ở Mộc Châu có ưu điểm ở chỗ, người chăn nuôi hoàn toàn tự nguyện và họ có quyền quyết định mức giá cũng như các yêu cầu của mình. Bảo hiểm nông nghiệp muốn tồn tại phải gắn với thực tế và phải làm sao để nông dân thấy được quyền lợi chính đáng khi tham gia và điều quan trọng hơn cả chính là các cơ chế, chính sách giải quyết khi xảy ra rủi ro phải đơn giản, gọn nhẹ.
Từ khi tham gia bảo hiểm bò sữa, anh Nguyễn Văn Quang luôn yên tâm với công việc của mình.
 
Có lẽ điều này cũng giải thích vì sao, bà con chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu lại hào hứng và tích cực tham gia bảo hiểm đến thế. Là một trong những hộ tham gia đầu tiên vào bảo hiểm vật nuôi, anh Nguyễn Văn Quang ở tiểu khu 84-85, Thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: “Lúc đầu phải đóng một khoản quỹ nhất định, chúng tôi cũng hơi đắn đo. Tuy nhiên, làm rồi mới thấy, bảo hiểm cho bò và giá sữa giống như cái “phao cứu sinh”. Không may bò chết chúng tôi vẫn có thể tái nuôi được liền sau đó. Tháng 9 vừa rồi, một con bò vắt sữa của gia đình tôi bị chết vì chướng hơi cấp, vài ngày sau quỹ bảo hiểm đã thanh toán cho 8 triệu đồng”.
Cũng theo anh Quang, do điều kiện gia đình khó khăn nên khi vừa học hết trung học phổ thông anh đã phải xa xứ kiếm việc làm. Tuy nhiên, đi mãi rồi cũng chán, anh nhận ra rằng dù gì thì chăn nuôi bò cũng là một nghề và nó có thể giúp anh làm giàu. Thế nên sau một thời gian, anh quay trở lại Mộc Châu đầu tư nuôi bò sữa. Hiện, gia đình Quang có trên 80 con cả bò vắt sữa, bê tơ và bê ăn sữa, quy mô đàn lớn nhất tại Mộc Châu, doanh thu cả trăm triệu đồng/tháng. Sắp tới, anh Quang dự kiến nâng quy mô đàn lên 100 con.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Chiên, chủ Hoa hậu bò sữa năm 2010, vui vẻ nói: “Từ khi tham gia bảo hiểm vật nuôi; gia đình tôi yên tâm hơn hẳn. Làm nghề này cũng có nhiều rủi ro do phụ thuộc vào thị trường, thời tiết... Vì thế, khi Công ty triển khai bảo hiểm, tôi tham gia luôn. Đến nay, gia đình có 7 con cả bò và bê, năm tới tôi sẽ nâng quy mô đàn lên gấp đôi. Hy vọng, không chỉ ở Mộc Châu mà nhiều địa phương khác, người chăn nuôi cũng sẽ tham gia vào mô hình này”.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/28033.html
 

Tin khác