Thanh Hóa phát triển nghề rừng bền vững

28/04/2011

Thanh Hóa hiện có 405.713 ha rừng (gồm 322.003 ha rừng tự nhiên và 83.710 ha rừng trồng), độ che phủ đạt 36,6%. Từ năm 1999, Thanh Hóa đã triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Quá trình thực hiện dự án tuy gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của những người làm nghề rừng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tỉnh đã trồng mới 88.324 ha, (rừng phòng hộ, đặc dụng: 34.826 ha, rừng sản xuất: 53.498 ha), bình quân mỗi năm trồng được 7.360 ha rừng các loại; khoán bảo vệ rừng 276.707 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên: 50.721 ha; khoanh nuôi có trồng bổ sung: 5.197 ha. Sau 12 năm thực hiện dự án, diện tích rừng tăng so với trước khi thực hiện dự án là 144.242 ha, đưa độ che phủ rừng đạt 49% (năm 2010), bình quân mỗi năm độ che phủ rừng tăng 1%.
Ngoài việc đầu tư các hạng mục lâm sinh, nguồn vốn của dự án còn được đầu tư để thực hiện một số công trình hạ tầng như: đường băng cản lửa, trạm bảo vệ rừng, chòi canh, vườn ươm, bảng niêm yết nội quy bảo vệ rừng... để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thực tế cho thấy, dự án là một chương trình đầu tư phát triển rừng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Thanh Hóa không chỉ trong việc bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho ng nghèo, cho người dân miền núi. 
Việc thực hiện kế hoạch, lập hồ sơ thiết kế, gieo ươm cây giống, thi công các hạng mục đầu tư hàng năm đều được kiểm tra, đánh giá chất lượng theo đúng quy hoạch và quy trình kỹ thuật; chỉ đạo Ban quản lý dự án cơ sở kiện toàn công tác tổ chức, phân công cán bộ bám sát thực tế, chỉ đạo các hộ nhận khoán thực hiện tốt quy trình kỹ thuật bảo vệ, phát triển rừng; thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng...

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, UBND các huyện, cấp xã làm tốt công tác quy hoạch lại 3 loại rừng, làm cơ sở cắm mốc 3 loại rừng ngoài thực địa và giao đất, giao rừng. Sắp xếp, đổi mới 12 lâm trường quốc doanh thành ban quản lý rừng phòng hộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến lâm, nhân giống cây lâm nghiệp được tăng cường; tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Kế thừa kinh nghiệm trong quản lý chỉ đạo Dự án 327, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Ban chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, từ đó đã nâng cao diện tích, độ che phủ rừng. Chất lượng rừng của tỉnh ngày càng được nâng lên, diện tích rừng giàu, rừng trung bình tăng lên từng năm; năng lực phòng hộ (bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn) được phát huy, bảo đảm về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học... Kinh tế lâm nghiệp đã có chuyển biến đáng kể, giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2005 – 2010 tăng bình quân 8%/năm.
Điều dễ nhận thấy là trong những năm qua, thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nghề rừng Thanh Hóa đã và đang chuyển từ quốc doanh thuần túy sang lâm nghiệp xã hội; đã thu hút nhiều người, nhiều thành phần kinh tế tham gia; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 25 ngàn hộ gia đình mỗi năm; từ đó, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là các huyện, xã biên giới; bảo vệ được diện tích rừng hiện có; trồng mới được hàng chục ngàn ha rừng; độ che phủ rừng được nâng lên; hạn chế thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu và trong khu vực. Các nguồn gen quý hiếm của động, thực vật được bảo tồn, tạo nguồn sinh thủy cho các hồ đập và các dòng chảy, tạo cảnh quan du lịch sinh thái ngày càng hấp dẫn. 

Phát huy kết quả đã đạt được, Thanh Hóa quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng trong giai đoạn tới; phấn đấu phát triển nghề rừng bền vững./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

 


Tin khác