Gieo neo chuyển lúa sang màu

28/04/2011

Dù thường xuyên bị khô hạn đe dọa, dù công việc cấy hái phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, năng suất bấp bênh, dù giá các loại cây trồng màu như ngô, đậu đang ở mức cao hiếm có nhưng xem ra chuyện chuyển đổi lúa sang màu vẫn chỉ dừng ở mức… hô hào mà khó thành hiện thực.

Yếu tố tự nhiên chi phối 70- 80%
Anh Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Vĩnh Phúc nói với tôi rằng diện tích đất lúa là quá ổn định, quá thuần cho loại cây trồng này nên nếu chuyển đổi lúa sang màu chỉ bàn ở vụ xuân, thời điểm thường hạn hán, khó gieo cấy còn vụ mùa, vào mùa mưa chuyện chuyển đổi không ai đặt ra.
“Trong thời điểm vụ xuân 2010 Vĩnh Phúc có 3.000 ha hạn, chúng tôi đã làm đủ công văn đôn đốc các địa phương hứa chuyển sang trồng màu tỉnh sẽ hỗ trợ nhưng chỉ một thời gian sau đi kiểm tra, dân đã cấy hết. Vấn đề chuyển đổi dường như có vẻ chưa cấp bách lắm bởi hệ thống thủy lợi tương đốt tốt, bởi lực đầu tư cho nông nghiệp ngày càng nhiều”.
Hiện có 1/3 diện tích lúa cấy của Vĩnh Phúc lấy nước từ sông Hồng còn 2/3 diện tích lấy nước từ 10 hồ, đập với trữ lượng khá lớn, dồi dào. Khác với trồng lúa, đất trồng màu phải có hệ thống tưới riêng, tiêu riêng chứ không thể tưới tiêu kết hợp. Trồng màu thường ở chân đất bãi, đồi trên cao còn diện tích dưới thấp nếu chuyển đổi sang tháng 4, tháng 5 có mưa, cây màu dễ rủi do, thất thu còn lúa khi ấy có mưa chỉ có thêm tốt. "Cách đây mấy năm, hồi còn làm ở Trại giống Mai Nham đích thân tôi đã chỉ đạo chuyển đổi 20 ha từ lúa sang trồng ngô ở vụ xuân. Hệ thống tưới tiêu tốt, đầu tư nhiều, giám sát sát sao mà cũng không ngờ là thất bại. Được một phen khiếp đảm”- anh dũng nói.
Anh Nguyễn Thành Nam - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Vĩnh Phúc lại phân tích chuyện chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang màu khó khăn bởi nông dân cố cấy do suy nghĩ trồng lúa để thóc đầy bồ không phải đi ăn đong. Bởi một số diện tích thời điểm đầu vụ hạn, tưởng dễ dàng trồng màu nhưng sau đó mưa úng không cây gì khác ngoài lúa trụ lại được. “Do yếu tố tự nhiên chi phối, gây nên tình trạng khó chuyển đổi từ lúa sang màu theo tôi đánh giá phải chiếm đến 70-80% còn lại mới là tâm lý người nông dân”- anh Nam tổng kết.
Mấy năm trước, trên những diện tích không chủ động được nước vì chưa có công trình thủy lợi, Vĩnh Phúc hô hào các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chẳng huyện, xã nào đề đạt cả. Năm 2010 hạn nặng trên diện tích 2.050 ha, tình thế đã ở mức cam go cao độ. Thêm vào đó là chính sách nếu chuyển sang màu được hỗ trợ giống 100%, được hỗ trợ chỉ đạo kỹ thuật đến tận ruộng mà cũng chỉ chuyển đổi được khoảng 500- 600 ha ở những vùng bãi. Bất chấp khuyến cáo, vận động nhiều nông dân kiên quyết giữ lại mạ, chấp nhận mạ già, 7-8 lá, 2 tháng tuổi vẫn cấy khi có nước mưa xuống mà không chịu làm màu, chấp nhận năng suất bình quân lúa có 1,2 tạ-1,4 tạ/sào.
Trọng điểm hạn của Vĩnh Phúc là các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo. Trong một cua khảo sát ở xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương tôi thấy chiếc máy xúc đang miệt mài múc khoét, thấy những chiếc ô tô đang lặc lè chở đất đi để hình thành nên một cái ao trữ nước cho việc cấy lúa. Hay một hình ảnh khác đầy ám ảnh ở xã Hướng Đạo cũng ở huyện Tam Dương là một cụ bà 75 tuổi đang run run lần sờ từng bậc thang của cái ao thủy lợi đã cạn trơ tới đáy, vét lấy nước tưới cho mảnh đỗ tương chỉ rộng bằng hai manh chiếu chập lại. Cạnh đó là một mảnh ruộng lúa. Dưới thấp hơn là một mảnh ruộng dưa. Lúa màu, xôi đỗ là tình trạng phổ biến ở đây.
Vĩnh Phúc dự định có chủ trương ở những vùng hạn, không có công trình thủy lợi thì Cty thủy lợi phải trả lại tiền thủy lợi phí cho dân để công bằng với nông dân những vùng khác được miễn thủy lợi phí. Số tiền này, nông dân có thể thêm vào đầu tư cho cây màu hoặc bơm nước cứu lúa.
Vụ hạn năm 2010 Cty thủy nông đã phải khoan 18 chỗ lấy nước ngầm ở đây nhưng nhiều thửa ruộng xa vẫn khô ráo, nứt trắng mặt. Để trồng được lúa nhiều nông dân đã thuê máy bơm nước từ kênh tiêu ở cách xa vài trăm mét đổ về ruộng của mình với cái giá cắt cổ 80.000đ/sào cho đủ nước cấy. Cấy xong họ lại dài cổ chờ trời mưa xuống mới được ăn, ngược lại sẽ “xôi hỏng, bỏng không”.
Ông Trần Anh Tú - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc thống kê trên 2.000 ha thường bị hạn của tỉnh đa phần đều nhỏ lẻ, manh mún, xen gò đồi, không cấp được nước vào. Năm 2010 các Cty thủy lợi bỏ tiền đầu tư, khắc phục bằng bơm dã chiến, đào giếng, đào ao chống hạn tổng cộng 38 cái, năm 2011 tình hình bớt căng thẳng hơn nhưng vẫn phải đào 13 cái, chấp nhận suất đầu tư thủy lợi tốn kém gấp 2-3 lần thông thường.
 Để giải quyết cho những vùng chưa có công trình thủy lợi, thường xuyên hạn ấy theo ông Tú đầu tư cỡ 250 tỉ trong vài năm tới cũng chưa chắc đã giải quyết được triệt để gốc rễ vấn đề. Hễ để lúa hạn, dân kêu, kiến nghị cử tri, kiến nghị hội đồng nhân dân ầm ầm nhưng mà vận động không cấy lúa nữa chuyển sang cây trồng màu đỡ tốn nước hơn thì mọi thứ lại “nguyễn y vân”: “Năm 2011 chỉ có Cty Thủy lợi Phúc Yên gửi dự kiến đăng ký chuyển đổi 60 ha cho Chi cục còn các Cty khác không dám đăng ký vì sợ… hố, sợ kinh nghiệm xương máu của các năm trước đăng ký xong rồi dân vẫn cấy...”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/2/2/2/77474/Default.aspx


Tin khác