NÔNG DÂN VÀ DN ĐỀU CHỦ ĐỘNG
Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), giá hồ tiêu đang gây kinh ngạc cho cả thế giới khi giá đã tăng lên tới 120 triệu đồng/tấn (cùng kỳ năm 2010 chỉ trên 40 triệu đồng/tấn).
Có được mức giá quá tốt này, theo ông Nam, ngoài yếu tố khách quan thì chính nông dân và DN đã có những “chiến lược” điều tiết lượng bán rất phù hợp với vị thế là nước XK trên 50% nguồn cung tiêu của toàn cầu. “Lạ lùng nhất là sự điều tiết giá tiêu tại VN chủ yếu do người nông dân thực hiện bằng cách chỉ bán cầm chừng. Thậm chí, những những hộ có tiềm lực kinh tế khá còn không bán ra, trữ lại tất tật trong kho chờ giá cao hơn nữa. Xu hướng trữ tiêu ngay tại hộ gia đình nông dân ngày càng nhiều và tạo áp lực về giá trên thị trường”.
Khảo sát của VPA cũng cho thấy, đa phần nông dân đã biết tìm hiểu về thông tin giá cả (hoặc thăm hỏi nhau) qua Internet, điện thoại, báo chí để quyết định giá cao mới bán. Trong khi đó, nhu cầu thị trường ngay từ đầu vụ đã hút hàng, DN muốn mua nhưng nông dân lại bán nhỏ giọt nên giá cứ liên tục bị đẩy lên.
Cùng với nông dân, các DN đã có bước tiến dài về chiến lược kinh doanh khi chủ động về vốn, chọn thời điểm giá cạnh tranh, mua nhanh gom chân hàng ngay từ đầu vụ thu hoạch, từ đó luôn quay vòng đổi hạt, tạo thế chủ động giao dịch đàm phán ký kết hợp đồng ngắn hạn, hạn chế tối đa hoặc không ký bán hàng trước trong khi tồn kho mỏng. Đặc biệt, các DN VN còn hạn chế tối đa các tầng lớp trung gian bằng cách bán trực tiếp cho đối tác quốc tế, tham gia thị trường kỳ hạn tại các thị trường giao dịch quốc tế, điều tiết lượng bán ra theo từng tháng. Chính điều này đã khiến các văn phòng hay cá nhân nước ngoài làm công việc trung gian XK hồ tiêu “đóng quân” tại VN hầu hết rơi cảnh “thất nghiệp”.
Ông Đỗ Hà Nam khẳng định, đã có nhiều sàn giao dịch trên thế giới bị cuốn theo giá bán của VN. Đặc biệt, giá tại sàn giao dịch mua bán tiêu Kochi Ấn Độ 4 tháng đầu năm biến động thất thường, có lúc tạo thị trường giá ảo thấp. Nhưng cuối cùng họ đã vào cuộc chơi thực sự và đi theo giá bán của VN. Ngoài ra, giá tiêu các loại tại thị trường châu Âu, châu Mỹ, Malaysia, Indonesia trong mọi thời điểm vẫn luôn “nhòm ngó” VN để ăn theo giá bán ngất ngưởng tăng lên từng ngày.
THẾ GIỚI ĐANG “KHÁT” TIÊU
Theo VPA, sản lượng tiêu VN niên vụ 2011 ước đạt 100.000 – 110.000 tấn, 4 tháng đầu năm đã XK 37.000 tấn và XK tiểu ngạch khoảng 5.000 tấn, dùng trong nước khoảng 5.000 tấn. Như vậy, tổng số đã tiêu thụ từ đầu năm đến nay khoảng 47.000 tấn. Trong 8 tháng cuối năm, lượng tiêu XK còn lại chỉ còn khoảng trên 50.000 tấn (50% trong dân và 50% trong kho DN). Giá thành hàng hóa trong kho tại các DN ở thời điểm cuối tháng 4/2011 bình quân không dưới 110 triệu đồng/tấn. Như vậy, DN phải bán ra trên 110 triệu đồng/tấn thì mới có lãi và đương nhiên nông dân sẽ bám theo giá DNXK và giá quốc tế nên khả năng giá bán sẽ tiếp tục đứng ở mức rất cao.
Thứ trưởng Lương Lê Phương:
Ngoài thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu hồ tiêu quốc gia và quảng bá đến tất cả khách hàng trên thế giới. Để chuẩn bị, ngành hồ tiêu phải phát triển theo chiều sâu, không chạy theo số lượng mà chỉ tập trung cho chất lượng. Tốt nhất nên có Đề án phát triển bền vững cây hồ tiêu và trình Bộ NN-PTNT xem xét phê duyệt.
Ngoài ra, cần sớm có đề án xúc tiến thương mại, tăng cường tham gia hội chợ, tiếp thị tại các thị trường lớn để giúp các DN phát triển thị trường; đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò trong khối IPC và tăng cường quan hệ nội khối Asean nhằm chuẩn bị cho sự ra đời thương hiệu hồ tiêu quốc gia VN.
|
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) dự báo sản lượng tiêu toàn cầu năm 2011 ước đạt 310.000 tấn, giảm 6.500 tấn so với 2010. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin gần đây, sản lượng tiêu Ấn Độ, Indonexia, Brazil, Trung Quốc suy giảm nên sản lượng thực tế còn giảm hơn nhiều và chỉ đạt dưới 300.000 tấn. Cũng theo IPC, lượng tiêu tồn kho cuối năm 2010 còn khoảng 95.400 tấn, nhưng cũng có nhiều dự đoán cho rằng, lượng tồn kho còn thấp hơn nhiều vì những tháng cuối năm 2010 giá tiêu thế giới khá cao nên các nước đã xuất bán hầu hết lượng hàng dự trữ.
Đặc biệt tại VN, thị trường tiêu “nóng” đến mức, đã có một làn sóng DN Trung Quốc đổ sang VN thu mua tiêu với giá cao hơn thị trường vài triệu đồng/tấn để giải tỏa cơn “khát” tiêu của Trung Quốc. Ông Nam khẳng định: “Hiện hồ tiêu khu vực Gia Lai và Bắc Trung bộ xuất hiện rất nhiều DN Trung Quốc lùng mua hồ tiêu, chấp nhận giá mua ở mức rất “khủng” trên 120 triệu đồng/tấn. Đây cũng là một sự đảm bảo cho giá hồ tiêu của VN tiếp tục đứng ở mức rất cao trong những ngày tới”.
Tuy nhiên, VPA cũng khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chặt các loại cây trồng khác để mở rộng diện tích trồng mới mang tính tự phát tại những nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, bà con nên tập trung thâm canh theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất tốt nông nghiệp (GAP), BVTV, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp tổng hợp IPM; thu hoạch, chế biến và bảo quản tốt, đảm bảo VSATTP để tạo giá trị gia tăng.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/77577/Default.aspx