Vào những ngày nắng nóng tháng tư này, chúng tôi về miệt biển Bạc Liêu, tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất nước đang vào vụ thu hoạch muối.
Nắng nóng chuyển mùa oi bức hầm hập cùng với gió biển thổi mạnh mang theo vị mặn, khiến cho người nơi khác đến rất khó chịu. Nhưng với diêm dân thì coi như được trời ưu ái, bởi nắng nóng kéo dài càng được mùa muối. Hiện tại, nhiều cánh đồng muối Bạc liêu thu hoạch chưa được bao nhiêu. Những cơn mưa trái mùa như lưỡi dao cứa vào lòng diêm dân.
Từ thị xã Bạc Liêu sang xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (Hòa Bình), Điền Hải, Long Điền Đông (Đông Hải) những ngày này đâu đâu cũng thấy muối chất cao đầy đồng. Nhưng rất ít thương lái đến mua, thỉnh thoảng có vài ghe nhỏ đến ăn hàng nhưng giá thương lái đưa ra quá thấp với 16.000 – 17.000 đồng/giạ muối (33kg/giạ) bằng 1/2 năm ngoái. Giá muối xuống thấp, diêm dân sản xuất không có lãi thậm chí còn lỗ do muối tiêu thụ không được, làm diêm dân điêu đứng.
Vụ muối năm nay, Bạc Liêu có hơn 3.200ha sản xuất muối, trong đó 80% diện tích là sản xuất muối đen, tăng hơn 500ha so cùng kỳ các năm trước. Diêm dân Trần Văn Trung (xã Vĩnh Thịnh – Hoà Bình) cho biết: “Hai năm trước muối sản xuất bao nhiêu cũng có người đưa ghe vào tận ruộng để mua với giá cao, nhưng từ đầu vụ muối mới đến nay tôi cào được trên 5.000 giạ muối đen mà chưa bán được hạt nào, vì giá muối rẻ như bèo”.
Vụ muối trước, diêm dân xã Điền Hải (Đông Hải) trúng lớn, năng suất đạt đến 87 tấn/ha. Do tiêu thụ chậm nên lượng muối tồn đọng còn khoảng 40%, cộng với hàng chục ngàn tấn của vụ này, khiến bà con hết sức lo lắng, nhất là trong hoàn cảnh giá muối giảm gần một nửa so với vụ trước. Anh Hồ Minh Chiến ở xã Long Điền Đông – Đông Hải nói với giọng buồn: “Vụ muối năm nay tôi sản xuất được 6 công, nhờ có sự chuẩn bị nguồn nước, cải tạo ao kỹ, nên năng suất đạt 70 tấn/ha, gia đình lên tận Bạc Liêu kêu thương lái quen đến mua nhưng đi năm lần bảy lượt rồi mà chẳng thấy thương lái đến xem muối”.
Rời đồng muối, tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời anh Trần Văn Trung: “Diêm dân khổ lắm. Họ đối mặt với thời tiết thất thường, giá cả trồi sụt như thời tiết và số phận giàu – nghèo của họ lại tuỳ thuộc vào quyết định có cho nhập muối ngoại hay không”. Cắn hạt muối trắng Bạc Liêu, ngoài vị mặn đặc trưng, đầu lưỡi tôi lại có thêm một vị khác đắng nghét. Muối ơi, mặn đủ rồi, xin đừng đắng nữa.
|
Từ trước đến nay, muối Bạc Liêu được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái. Những người này là dân địa phương hoặc ở các vùng lân cận đến mua muối, rồi dùng ghe chở đi tiêu thụ khắp nơi để nấu muối bọt, làm nước mắm, ướp cá, sản xuất muối i-ốt…
Chưa hết lo vì giá muối giảm, tiêu thụ khó khăn thì diêm dân lại khốn đốn vì những ngày qua liên tục xảy ra mưa lớn đã biến hàng ngàn hecta muối đang phơi đồng tan chảy thành nước, nhiều người bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay. Tại tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn trái mùa đã làm khoảng 2.500ha muối với sản lượng 23.000 tấn tan thành nước, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ở huyện Đông Hải, mưa trái vụ cũng làm thiệt hại trên 50.000 tấn muối, diêm dân không còn khả năng phục hồi sản xuất. Vừa mất muối, diêm dân vừa phải tốn thêm chi phí sửa lại khuôn, ao, sân để khôi phục sản xuất.
Vài năm gần đây, nghề muối cứ “một lên hai xuống”, sau vài vụ bị ép giá, diêm dân đồng loạt giảm diện tích, sản lượng giảm. Ai cũng thừa nhận rằng, giá cả là do thị trường quyết định. Hơn ai hết, diêm dân mong Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu bình ổn giá muối theo chiều hướng có lợi. Bao giờ những vướng mắc trong việc bao tiêu muối được tháo gỡ? Và đến bao giờ cuộc sống của hàng chục ngàn lao động nghề muối mới ổn định?
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/77373/Default.aspx