Từ việc ra đời “Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn”, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
- Qua thông tin sơ bộ được biết trên Báo NTNN, tôi thật ngạc nhiên bởi mô hình “bảo hiểm để có lương hưu cho nông dân” thí điểm không thành công giờ lại xuất hiện. Trước đây, nước ta đã có 5 tỉnh triển khai thí điểm bảo hiểm xã hội (BHXH) nông dân, nhưng cuối cùng chỉ có Nghệ An còn tồn tại.
|
Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Văn trao sổ và lương hưu cho bà con nhân dịp khai trương Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã.
|
Tại Nghệ An, lúc đầu quỹ chỉ thu có 10.000 đồng/tháng, sau đó có thời điểm đã tăng lên 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của quỹ đó vẫn không đảm bảo, không đủ để chi. Trước thực trạng ấy, Nhà nước đã quyết định chuyển BHXH nông dân sang hình thức BHXH tự nguyện.
Thực tế, ở đây tôi chưa nghiên cứu kỹ cách thức gây quỹ và điều hành quỹ của xã Thanh Văn nên không biết còn những khoản thu gì, ví dụ như trích từ các khoản chi khác của thôn, của xã là bao nhiêu cũng chưa thể biết được. Nếu chỉ tính riêng nguồn thu từ quỹ, mức đóng thấp như thế là không đảm bảo để chi trả, nguy cơ rủi ro sẽ rất cao.
Trước đây, ông từng nghiên cứu rất kỹ về BHXH nông dân Nghệ An, so sánh với Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân Thanh Văn thì ông thấy có gì khác biệt?
- Quỹ ở Thanh Văn tôi chưa nghiên cứu cụ thể, nên không thể so sánh ngay được. Còn với BHXH nông dân Nghệ An, trước đây chủ yếu là thu từ nguồn đóng quỹ của mọi người tham gia. Mức thu cũng thấp, người ở tuổi 40 trở lên mới tham gia quỹ nhiều vì họ có con cái đi công tác, nên biếu bố mẹ tiền để đóng quỹ. Người tham gia hưởng lương hưu tối đa cũng chỉ có 100.000 đồng - 150.000 đồng/tháng. Mức đó đã rất thấp mà vẫn có nguy cơ không đảm bảo việc chi trả nên mới sáp nhập vào BHXH tự nguyện.
Theo tôi được biết, đến 31.12.2006 ở Nghệ An có tới gần 87.000 nông dân tham gia. Đến khi chuyển sang BHXH tự nguyện chỉ còn gần 1/3 số người tham gia. Nguyên nhân chính là phí đóng tăng lên, một số người không có khả năng đóng tiếp, nên đã nhận theo chế độ chi trả một lần.
BHXH tự nguyện khác với BHXH nông dân Nghệ An và loại hình bảo hiểm ở Thanh Văn như thế nào?
|
Ths Phùng Bá Đề - Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động Xã hội
|
- BHXH tự nguyện khác ở chỗ lấy mức lương tối thiểu hàng tháng để tính khoản tiền phải đóng cho mỗi người. Mỗi tháng phải đóng khoảng 6% lương tối thiểu, tương đương khoảng trên 100.000 đồng. Chính vì thế, số người ở Nghệ An trước đây tham gia BHXH nông dân sau khi chuyển đổi sang BHXH tự nguyện đã giảm vì không có điều kiện đóng tiếp.
Quan trọng hơn là BHXH tự nguyện của Nhà nước đã được nghiên cứu rất kỹ. Loại hình này còn tính tới cả việc trượt giá, rủi ro bị vỡ quỹ và cả thời gian 20 - 30 năm sau nếu không đảm bảo sự cân đối quỹ, người ta sẽ tính đến việc cân đối lại.
Trường hợp xấu nhất còn được Nhà nước bảo trợ. Còn BHXH nông dân trước đây thực hiện thí điểm ở 5 tỉnh theo tôi cũng chưa nghiên cứu kỹ những yếu tố rủi ro như trượt giá, vấn đề quản lý quỹ, đầu tư sinh lời như thế nào…
Vì thế, sau đó chỉ có quỹ ở Nghệ An còn tồn tại nhưng cũng đứng trước những rủi ro nên mới sáp nhập vào BHXH tự nguyện. Còn loại hình mới ở Thanh Văn, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ nên không biết điểm khác như thế nào nhưng có thể nói rằng nếu không có sự bảo trợ thì rất nhiều rủi ro.
“Thực tế, lương hưu chỉ có 100.000 đồng/tháng thì hiện nay chẳng có nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống. Suy cho cùng, động lực tham gia quỹ là để giải quyết vấn đề tâm lý: Nông dân cũng có lương hưu công bằng với mọi ngành nghề khác. Đây là nhu cầu chính đáng của nông dân.” - Ông Phùng Bá Đề
|
Như vậy, với loại hình mới ở Thanh Văn cũng theo ông có cần tính đến những vấn đề rủi ro như trượt giá, vỡ quỹ… gây thiệt hại cho người tham gia?
- Chắc chắn là những vấn đề đó phải được nghiên cứu thật kỹ, ngoài yếu tố trượt giá, các vấn đề rủi ro còn phải tính đến vấn đề quản lý quỹ như thế nào. Theo tôi, mức quỹ hiện tại đóng 20.000 đồng, nếu chỉ gửi ngân hàng để sinh lời cho quỹ sẽ chưa đủ để bù trượt giá.
Hiện tại, Quỹ BHXH tự nguyện nếu trượt giá lớn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ, còn loại hình ở Thanh Văn khi xảy ra rủi ro, ai sẽ bảo vệ cho người tham gia? Trong khi có rất nhiều yếu tố rủi ro, chỉ riêng trượt giá cũng có thể dẫn tới “vỡ quỹ”. Nếu xảy ra hiện tượng “vỡ quỹ” thì người chịu thiệt hại không ai khác là những nông dân trực tiếp tham gia.
Ở một địa phương như Thanh Văn, tôi không hiểu khi xây dựng loại hình này, người ta dựa vào cơ sở nào để tính tiền đóng quỹ và mức lương tháng và liệu có chuyên gia tư vấn không? Theo tôi, cần có sự tham vấn của chuyên gia trong lĩnh vực này để có khả năng tính toán cân đối quỹ, tính toán cả trượt giá và đưa ra cách quản lý…
Từ thực tế thí điểm không thành ở 5 tỉnh, theo ông mô hình “Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn” có nên nhân rộng hay không?
- Tôi nghĩ, trong điều kiện ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực này nên không thể nhân rộng, bởi nếu tất cả các xã trên toàn quốc đều có loại hình này, nếu xảy ra rủi ro thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thực tế, trên thế giới, mô hình BHXH tự nguyện phát triển nhất cũng vẫn được Nhà nước bảo trợ để tránh rủi ro.
Xã hội càng phát triển, mức sống của dân cư ngày càng cao thì nhu cầu được đảm bảo an toàn trước những rủi ro ngày càng lớn, do đó nhu cầu về bảo hiểm có xu hướng ngày càng tăng (cả BHXH và bảo hiểm thương mại). Những đối tượng khó tham gia bảo hiểm nhất hiện vẫn là nông dân, người cao tuổi, người làm nghề tự do...
Sự ra đời loại hình bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết đối với người nông dân. Tuy nhiên, việc ra đời loại hình bảo hiểm như ở Thanh Văn, theo tôi cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, nguy cơ đi theo “vết xe đổ” của loại hình thí điểm “lương hưu nông dân” trước đó là rất cao. Còn về người dân, nếu có điều kiện, nên tham gia vào BHXH tự nguyện để vừa có mức lương hưu đủ chi tiêu khi về già và vừa yên tâm hơn khi có rủi ro.
Theo ông, với loại hình bảo hiểm mới xuất hiện ở Thanh Văn, cơ quan nhà nước cần có những biện pháp quản lý như thế nào?
- Nếu xét về mặt kinh doanh, đã tham gia vào kinh doanh loại bảo hiểm tự nguyện thì phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Còn “Quỹ bảo hiểm và phúc lợi nhân dân xã Thanh Văn” theo như Báo NTNN phản ánh lại là do UBND xã quản lý và Chủ tịch UBND xã cũng kiêm luôn Chủ tịch HĐQT quỹ.
Vấn đề này theo tôi cũng cần xem lại, liệu có vi phạm những quy định hiện tại về bảo hiểm không. Ngoài ra, việc duy trì quỹ, quản lý quỹ, ai giám sát, giám sát như thế nào… cũng cần có tính toán cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/40679p1c24/than-trong-khi-lam-luong-huu-nong-dan.htm