Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về Luật Thuế bảo vệ môi trường sáng 21/10, giáo sư Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội Đắk Lắk) đã phát biểu, trong đó có đề cập đến việc nên đánh thuế người trồng rau nếu trong sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao.
Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Lân Dũng xoay quanh vấn đề này.
PV: Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, giáo sư có đề cập đến vấn đề không nên đưa túi nylon thuộc diện chịu thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường? Giáo sư có thể lý giải về điều này?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Theo các nhà khoa học, túi nylon khi ở trong đất hàng trăm không phân huỷ được. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ theo dõi được hàng trăm năm, có khi phải mất hàng nghìn năm, bởi đây là loại chất mà vi sinh vật không phân huỷ được. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có biện pháp giải quyết. Cụ thể chúng tôi đã tham gia tích cực với tỉnh Thừa Thiên - Huế để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tất cả những chất thải hữu cơ, chúng tôi sản xuất ra phân bón sinh học, còn rác thải khác, đặc biệt là túi nylon sau khi loại bỏ kim loại và cho thêm các chất phụ gia được sản xuất thành ống cống có thể đập không vỡ.
Chúng ta nên tận dụng thành tựu khoa học này. Hiện nay, việc áp dụng thành tựu này đang được TP HCM ủng hộ, Tổng công ty Tâm Sinh Nghĩa đang tiến hành xây dựng nhà máy với công suất 1.000 tấn/ngày. Nếu nhà máy này đi vào hoạt động và tương tự chúng ta xây dựng thêm các nhà máy khác thì lượng rác thải khoảng 7.000 - 8.000 tấn/ngày của TP HCM có thể giải quyết được.
Theo tôi, chúng ta nên dựa vào các thành tựu khoa học để suy nghĩ về việc giải quyết vấn đề chất thải túi nylon, còn cấm hoặc đánh thuế thì chỉ tốn tiền cho người tiêu dùng mà không giải quyết được tận gốc vấn đề.
PV: Bên cạnh ý kiến không nên đánh thuế túi nylon, giáo sư lại đề nghị đánh thuế những người trồng rau để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao trong sản phẩm. Xuất phát từ đâu, giáo sư đưa ra ý kiến trên?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Rau an toàn là vấn đề thiết thân với tất cả chúng ta. Hiện nay, người tiêu dùng không biết cách nào để chọn sản phẩm rau an toàn. Chúng ta đừng tưởng rau bị sâu cắn lỗ chỗ là rau không dùng thuốc trừ sâu. Nhiều khi người sản xuất cứ để sâu cắn rồi sau đó mới phun thuốc. Hiện nay, nếu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu thì sản phẩm rau trên thị trường đầy rẫy, kể cả lân hữu cơ, clo hữu cơ và những chất gây ung thư cho người sử dụng.
Chúng ta đã bỏ rất nhiều tiền để tập huấn cho nông dân quy trình trước khi thu hoạch rau 6 - 7 ngày thì không được phun thuốc, nhưng nhiều khi họ nhận tiền nhưng không áp dụng. Họ coi đó là quyền lợi thiết thân của họ bởi nếu không dùng thuốc trừ sâu thì sau một đêm, sâu có thể phá tan cả ruộng rau.
Hiện nay, chúng tôi đã thử nghiệm thành công trên quy mô nhỏ mô hình sản xuất rau có bảo đảm ở Kiến An (Hải Phòng) và TP HCM. Đây là sản phẩm được đóng trong bao bì ghi rõ, nếu phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu hoá học thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, không phải mình người nông dân. Người nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải liên kết với nhà khoa học để xây dựng những nhà lưới. Ở tất cả những nước phát triển, người ta đều trồng rau trong nhà lưới để phục vụ các đô thị lớn. Giá thành cho nhà lưới cũng không đắt lắm, chỉ khoảng 50 triệu/ha.
Tôi đề nghị đánh thuế với người trồng rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Chỉ có biện pháp đó, người nông dân mới chịu đưa ruộng đất của mình hợp tác với nhà doanh nghiệp để sản xuất rau bảo đảm.
PV: Có một thực tế là phần lớn nông dân của chúng ta hiện nay sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, bên cạnh đó không phải ai cũng đủ tiền để xây dựng nhà lưới. Vậy theo giáo sư, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Việc xây dựng những nhà lưới là do doanh nghiệp bỏ tiền ra làm, nông dân chỉ cho thuê đất hoặc làm công nhân cho các doanh nghiệp đó. Hiện nay chúng tôi đang triển khai theo mô hình đó. Nông dân cho thuê đất, lĩnh tiền hàng tháng. Doanh nghiệp thuê nông dân chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Làm theo mô hình này, nông dân có thu nhập cao hơn mà không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm, bởi đã có doanh nghiệp phụ trách.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo VOV - Mạnh Hùng (ghi)