Phát triển nông nghiệp bền vững: Tính tất yếu khách quan của tích tụ ruộng đất

20/09/2010

Không riêng gì gạo, các nông sản khác của Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề về tính đồng đều của chất lượng để có một thương hiệu bền vững.

Năm 2010, ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sản xuất nông nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần tích cực vào ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn và nông dân. Thế nhưng, thực tế sản xuất nông nghiệp lại đang phát sinh nhiều vấn đề cần phải tìm hướng khắc phục, giải quyết.

Nông sản quý mà chỉ xuất khẩu được một lần!

Uống rượu Sake là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Một công ty nổi tiếng sản xuất loại rượu này ở Nhật, qua kết quả khảo nghiệm một giống nếp lai Việt Nam, đã đặt mua một lượng đáng kể với giá cao hơn rất nhiều giá gạo dùng làm lương thực. Rõ ràng là trong thương vụ này, doanh nhân Việt Nam và nông dân đều có lợi. Thế nhưng, đáng tiếc, mặc dù cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn chu đáo quy trình thâm canh cho nông dân, chất lượng gạo vẫn không đồng đều nên chỉ xuất được vài chục tấn.

Một công ty khác xuất khẩu cà rốt sang Nhật nhưng có thể do nông dân bón quá ít phân kali hoặc mua phải loại phân kali giả nên trên đường chuyên chở đã thối hết 60%.

Hai mươi năm trước, cũng từ Nhật Bản, Tập đoàn Dầu vừng Kadoya và Công ty Mitsui đã mang sang khảo nghiệm nhiều giống vừng một vỏ tỷ lệ dầu cao, đã kết luận về tính ưu việt của giống V6 với năng suất cao bình quân 1,5 tấn/ha, (cá biệt có hộ nông dân đạt 1,5 tạ hạt trên 1 sào Trung bộ). Diện tích V6 có năm đã lên tới 5.000ha nhưng cũng do không đồng đều về chất lượng hạt khi thu hoạch, điển hình là tỷ lệ dầu chênh lệch khá lớn giữa các hộ trồng và lẫn với giống vừng truyền thống hai vỏ nên cũng chỉ dừng lại ở một lần xuất khẩu duy nhất với khối lượng vài trăm tấn. Trong khi đó, hàng năm, nước Nhật cần tới vài chục vạn tấn để ăn và để điều chế các dược phẩm.

Nhìn rộng ra với các nông sản khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự về tính đồng đều của chất lượng để có một thương hiệu bền vững.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là tích tụ đất đai phải chăng đã trở thành yếu tố đầu tiên cần phải xem xét để tạo lập một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, khi đời sống của nông dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các thành phần xã hội khác; khi các nước trên thế giới đều đánh giá nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến thần kỳ rất đáng học tập; những đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ nông nghiệp khi đã có các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phải tích tụ ruộng đất

Chủ trương “khoán sản phẩm trong nông nghiệp”, theo cách gọi dân dã là “khoán 10”, một phần tư thế kỷ qua đã trở thành động lực tạo nên một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Lao động tập thể có vị trí cực kỳ quan trọng trong khắc phục thiên tai nhưng phương thức sản xuất tập thể theo kiểu... “mặt trời lên quá ngọn tre mới ra đồng sắp hàng lao động” thì rõ ràng hiệu quả không cao nếu không nói là quá thấp vì không phù hợp với quy luật tăng năng suất lao động khi được phân công hợp lý và cũng chẳng phù hợp lòng người khi hưởng thụ thành quả của lao động như nhau trong lúc lại rất khác nhau về cường độ lẫn chất lượng lao động của từng cá thể.

Không hề cường điệu khi nói, nếu không có “khoán 10” thì may lắm chúng ta chỉ có thể tự túc được lương thực nói gì đến dư thừa để xuất khẩu. Rõ ràng là khi thực sự được làm chủ trên mảnh đất của mình, người nông dân đã đi theo con đường duy nhất đúng là thâm canh trên cơ sở phát huy độ phì nhiêu thực tế của một mảnh đất cụ thể để thu được năng suất cao tính bằng giá trị chứ không còn câu nệ về những con số tấn, tạ.

Thế nhưng, khi đã vào WTO thì thuộc tính hàng hóa của nông sản làm ra phải mang một chất mới, phải có những điều kiện cần và đủ để cạnh tranh, không những trên thị trường quốc tế mà còn ngay cả trên “sân nhà”. Theo thiển ý của chúng tôi, cần đặt vấn đề tích tụ ruộng đất ngay từ bây giờ dựa trên mấy yếu tố chủ yếu sau:

Một là, nông sản lưu thông trên thị trường phải là nông sản chiến lược, rất nhiều nước cần nhưng không sản xuất được do khí hậu, thời tiết không phù hợp hoặc sản xuất được với giá thành cao hơn chúng ta. Loại nông sản chiến lược ấy có thể chung cho cả nước, có thể đặc trưng cho từng vùng sinh thái.

Hai là, nông sản ấy phải có chất lượng cao về giá trị dinh dưỡng, không chứa độc tố như kim loại nặng và tàn dư thuốc bảo vệ thực vật. Phải thừa nhận chất lượng nông sản hiện nay ở nước ta còn kém nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển...

Ba là, tiềm năng kinh tế của từng hộ nông dân nước ta hiện nay còn quá thấp, không đủ điều kiện để đầu tư vào thâm canh đúng với những biện pháp kỹ thuật tối ưu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nên thu nhập của người nông dân tăng trưởng còn rất chậm. Hơn thế, khi canh tác trên những diện tích nhỏ, manh mún khó có điều kiện để đồng nhất độ phì nhiêu thực tế, đồng nhất về hiệu lực phân bón, chất lượng giống ban đầu cũng như thời vụ gieo trồng và gặt hái.

Bốn là, khác với công nghiệp, sản xuất nông nghiệp có không gian rộng hơn, lực lượng lao động nhiều hơn, ảnh hưởng của khí hậu thời tiết lớn hơn trong lúc hiểu biết về kỹ thuật của nông dân lại không đồng đều nên lợi nhuận thu được cũng rất khác nhau.

Năm là, khi đã có chủ trương đúng và biện pháp kỹ thuật tối ưu vẫn rất cần sự chỉ đạo cụ thể, sát sao, điều chưa thật phổ biến trong hoạt động thực tiễn.

Sáu là, mức độ tiếp nhận thông tin về khoa học và thị trường chưa thật phổ biến kịp thời và rộng rãi trong nông dân đã hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như trong nước.

Thay cho phần kết luận về tính tất yếu khách quan phải tập tích tụ ruộng đất xem như một chủ trương phù hợp với quy luật và lòng người, xin dẫn một thông tin đăng trên trang nhất báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 25/3/2010. Trong bài “Giật mình với Qatar” tờ báo có đưa một thông tin về đề xuất của Qatar muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa ở Trà Vinh với diện tích 25.000ha! Tất nhiên còn phải bàn bạc thận trọng từ mục tiêu, loại hình liên doanh, phân phối lợi nhuận cũng như bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn và hàng loạt vấn đề theo quy định của pháp luật, phù hợp với đường lối quốc tế và chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng rõ ràng, đây là một thông tin rất đáng suy ngẫm.

GS-TS. Nguyễn Vy ( Bài đã đăng trên Báo TNVN)


Tin khác