Phải giải quyết được cơ chế lợi ích và chế tài xử phạt

20/09/2010

Nếu không thoát khỏi thói quen sản xuất nhỏ, nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thua thiệt cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)trả lời phỏng vấn báo TNVN về vấn đề liên kết 4 nhà.

** Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp nhận xét, trong hội nhập nếu không có liên kết thì người nông dân chỉ có thể quanh quẩn ở ao nhà chứ không thể ra biển lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Tăng Minh Lộc

Ông Tăng Minh Lộc: Đúng là nông nghiệp hội nhập quốc tế giống như một cuộc vượt biển, phải liên kết 4 nhà thì mới qua được biển lớn. Trong cuộc vượt biển ấy, Nhà nước được coi như con tàu, nhà khoa học như bánh lái, còn nông dân và doanh nghiệp là người lái tàu. Nông nghiệp đang hội nhập, muốn thắng thì mối liên kết càng phải chặt chẽ hơn.

** Thực tế, sản xuất của bà con bấp bênh với tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, phải chăng một phần do bất cập trong liên kết 4 nhà?

Ông Tăng Minh Lộc: Nhiều năm nay xảy ra tình trạng cứ cây con nào bán được giá, nông dân lại đổ xô vào nuôi trồng, khi cung lớn hơn cầu, sản phẩm rẻ là điều tất yếu. Đây là kết quả của lối sản xuất tự phát, không gắn với thị trường. Điều này cũng cho thấy vai trò điều tiết của Nhà nước còn yếu. Nhiều nước trên thế giới trợ cấp cho nông dân giống, phân bón, thủy lợi phí nhưng Việt Nam chưa có trợ cấp mà mới chỉ bỏ được thuế nông nghiệp. Việc hỗ trợ DN thu mua nông sản đã có nhưng còn ít chỉ ở một số lĩnh vực như gạo, muối, cà phê.

** Khi giá nông sản cao hơn giá ký kết, nông dân thường phá hợp đồng cung ứng cho tư thương, còn khi giá nông sản ngoài thị trường thấp hơn giá ký kết, DN thu mua lại ép giá, khiến nông dân bị thiệt thòi. Điều này khiến DN không mặn mà xây dựng vùng nguyên liệu và nông dân thì khó mở rộng quy mô sản xuất. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Tăng Minh Lộc: Đây là kết quả của thói quen sản xuất nhỏ, không chỉ của nông dân mà của cả DN. DN chưa thoát khỏi tâm lý của "anh buôn hàng xén". Tình trạng này không sớm được khắc phục, nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thua thiệt cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường tư vấn pháp lý cho nông dân và DN, làm cho cả hai bên hiểu rõ được nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi ký hợp đồng sản xuất. Trong hợp đồng phải có cơ chế ràng buộc, khi có vi phạm sẽ bị xử phạt. Hình phạt đủ nặng để có sức răn đe, giáo dục và phải xử nghiêm. Lâu nay, các nhà tư pháp chưa quan tâm đến vấn đề này, mặc dù nông dân và DN ký kết hợp đồng nhưng cả hai bên mặc sức vi phạm mà không bị xử phạt.

** Theo ông, làm thế nào để thắt chặt mối liên kết 4 nhà?

Ông Tăng Minh Lộc: Đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về mối liên kết 4 nhà, nhưng có hai vấn đề đến nay vẫn chưa giải quyết được là cơ chế lợi ích và chế tài xử phạt. Cho nên 4 nhà vẫn phận ai nấy làm, chưa có sự gắn bó. Theo tôi, để thắt chặt mối liên kết 4 nhà, cần giải quyết được một số vấn đề sau: Thứ nhất, quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, bảo quản; Thứ hai, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên kết trong chuỗi sản phẩm; Thứ ba, phải có tổ chức trọng tài để xử phạt khi cần thiết và Luật Dân sự cần bổ sung chế tài xử phạt những vi phạm hợp đồng trong sản xuất; Thứ tư, hợp đồng ký kết nên có sự tư vấn, hướng dẫn của cơ quan tư pháp, làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên; Thứ năm, thành lập quỹ hỗ trợ để các bên chia sẻ rủi ro, quỹ này trích từ nguồn lợi nhuận của các bên.

** Xin cảm ơn ông!./.

Minh Khánh thực hiện (Báo TNVN)


Tin khác