TS Đặng Kim Sơn trả lời phỏng vấn báo SGGP về vấn đề xây dựng nông thôn mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
TS Đặng Kim Sơn nói:
Để mô hình xây dựng nông thôn mới thành công, cả cơ quan triển khai và người nông dân không thể tư duy theo kiểu dự án được, mà phải tạo động lực cho người nông dân tham gia xây dựng nông thôn, làng quê của mình thành nông thôn mới. Song hiện nay chúng ta lại đang xây dựng nông thôn mới theo kiểu tư duy dự án. Chúng ta cứ nghĩ rằng đầu tư làm điện, đường, trường, trạm thế là xong nông thôn mới. Nếu làm như vậy, người nông dân sẽ thụ động, còn Nhà nước sẽ không thể có đủ tiền để triển khai các mô hình ra diện rộng. Chỉ khi nào người dân tự mình đứng lên, làm chủ vận mệnh của mình, lúc đó chương trình nông thôn mới mới thành công được. Chẳng hạn cách đây hơn 20 năm, khi chúng ta làm khoán 10 trong nông nghiệp, mặc dù nông dân ra khỏi các hợp tác xã, trong tay không có gì nhưng lại được Nhà nước giao làm chủ mảnh đất của mình, từ đó tạo động lực để người nông dân vươn lên, làm giàu. Giờ đây, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng vậy, Nhà nước phải tạo ra được động lực mới không chỉ cho nông dân mà cả doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nhiều chất xám, tiền của hơn vào nông nghiệp, nông thôn.
Bốn vấn đề lớn cần đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách “tam nông” là giảm bớt các khoản đóng góp cho người dân, bù ngân sách cho xã nghèo, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua miễn giảm phí sản xuất, cải thiện việc bồi hoàn đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp và đô thị. Chỉ cần làm tốt những yêu cầu này, bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã thay đổi rõ.
Theo SGGP