Ngân hàng tham gia vào thị trường tài chính nông thôn Việt Nam: hiệu quả và an toàn.

26/11/2010

Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng, song vẫn còn là một quốc gia nghèo với thu nhập GDP bình quân đầu người thấp và tiềm năng phát triển lớn chưa được khai thác.

Theo số liệu thống kê mới công bố, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm 75% kể từ năm 1993 đến năm 2009, song dự tính vẫn còn khoảng 12 triệu người nghèo(14,5%), khoảng 85% trong số đó sống ở nông thôn. Hiện nay, trên 70% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở khu vực nông thôn và nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của họ. Nâng cao mức sống ở khu vực nông thôn vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Để đạt mục tiêu phát triển khu vực nông thôn bền vững và tiếp tục những thành công trong xóa đói giảm nghèo, trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, Chính phủ dự kiến tổng mức đầu tư cho kinh tế nông thôn khoảng 5 – 6 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, dự kiến đầu tư cho khu vực tư nhân chiếm khoảng 40% hiện nay mới khoảng 2 – 2,5 tỷ USD. Do đó, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của Hệ thống Ngân hàng vào phát triển khu vực nông thôn sẽ là nguồn bổ sung cần thiết. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, niềm tin vào hệ thống ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng, thể hiện ở tỉ lệ tiền gửi, từ 24% GDP lên trên 60%; Nguồn tín dụng cho nền kinh tế cũng đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm gần 30%. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng và nội bộ ngân hàng, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đã giúp cải thiện các dịch vụ thanh toán, đẩy nhanh vòng quay vốn và tăng tính hiệu quả của việc dẫn vốn.

Mặc dù đã có những bước phát triển lớn, song hoạt động của hệ thống ngân hàng, trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chủ yếu vẫn ở khu vực những trung tâm lớn và thành phố, thị xã trung tâm tỉnh, chưa đạt được tính hiệu quả cũng như mở rộng sự tiếp cận của các dịch vụ tài chính đến các khu vực nông thôn. Khu vực nông thôn là một thị trường tiềm năng khai thác rộng lớn, nơi sinh sống của trên 70% dân số cả nước, song Việt Nam còn thiếu một hệ thống tài chính nông thôn bền vững để phục vụ cho khu vực này. Mới chỉ có khoảng 32% người nghèo ở nông thôn tiếp cận được tới nguồn vốn của các định chế tài chính chính thức. Các doanh nghiệp tư nhân nông thôn tài trợ khoảng 75% các khoản đầu tư mới từ nguông phi thương mại, như từ các nguồn vốn tự có, từ gia đình, bạn bè, hay từ quỹ nội bộ của doanh nghiệp. Sự phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nói trên đã làm hạn chế qui mô phát triển và khả năng mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tham gia của các Ngân hàng vào thị trường tài chính nông thôn. Nhân tố đầu tiên phải kể đến đó là hầu hết các Ngân hàng còn thiếu một chiến lược cụ thể hướng đến thị trường nông thôn. Một trong những nguyên nhân làm cho các Ngân hàng chưa tích cực mở rộng ra khu vực nông thôn là thiếu nguồn vốn do khả năng huy động còn yếu, đặc biệt là nguồn vốn tập trung và dài hạn. Việc các Ngân hàng vẫn áp dụng qui định về tài sản thế chấp để phòng ngừa rủi ro, và những yếu kém từ phía nội tại doanh nghiệp, như chuẩn bị kế hoạch kinh doanh kém, thiếu hệ thống kế toán lành mạnh và các báo cáo tài chính, thiếu tài sản đảm bảo… là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp nông thôn trong tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn còn thấp và đơn điệu, các dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất nông nghiệp, là lĩnh vực chịu nhiều tác động của rủi ro thời tiết hay dịch bệnh liên quan đến cây trồng, vật nuôi. Hơn nữa, vấn đề bảo vệ môi trường trong cấc hoạt động sản xuất kinh doanh ở các vùng nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức và ngày một trở lên cấp bách, cũng là một rủi ro, trở ngại khi các ngân hàng mở rộng hoạt động ở khu vực này.

Tất cả những nhân tố trên đã làm cho các Ngân hàng, các doanh nghiệp và hộ gia đình nông thôn chưa gặp được nhau. Nói cách khác, để các ngân hàng có thể tham gia vào thị trường tài chính nông thôn một cách hiệu quả và an toàn, những nhân tố trên cần được xem xét xử lý.

1) Cần xây dựng một chiến lược cụ thể hướng tới khu vực nông thôn. Hoạt động ngân hàng đã mang tính cạnh tranh cao song chủ yếu ở các trung tâm kinh tế lớn, các thành phố thị xã. Cho nên, để từng bước chiếm lĩnh thị trường nông thôn rộng lớn, các Ngân hàng cần phát triển một chiến lược cụ thể để hướng đến thị trường này như chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển mạng lưới chi nhánh hiệu quả với thời gian biểu cụ thể và kế hoạch tuyển dụng, đào tạo cán bộ để mở rộng hoạt động tới khu vực nông thôn một cách bền vững.

2) Huy động vốn và phát triển những sản phẩm huy động vốn mới. Một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự tham gia của các Ngân hàng vào thị trường tài chính nông thôn là ngân hàng thiếu vốn, đặc biệt là trong huy động nguồn vốn trung và dài hạn để sử dụng cho vay mở rộng đầu tư vào khu vực nông thôn. Do đó, nhiệm vụ của Hệ thống ngân hàng là phải có chiến lược cụ thể trong việc thiết kế, tiếp thị những sản phẩm tiết kiệm dài hạn mới, đa dạng và hấp dẫn để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi tư khu vực nông thôn, mở rộng nguồn tại chỗ cho đầu tư phát triển.

3) Phát triển công nghệ tín dụng mới – Cho vay theo dòng tiền. Một trở ngại nữa để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau là các Ngân hàng cẫn chủ yếu cho vay trên cơ sở tài sản thế chấp, trong khi đó, người dân và các doanh nghiệp nông thôn thường ít có tài sản thế chấp có giá trị(hoặc có thể được chấp nhận), vì vật việc tiếp cận của Ngân hàng đến những đối tượng này bị hạn chế. Để vượt qua trở ngại này, các Ngân hàng cần nghiên cứu áp dụng một cách phổ biến hơn những công nghệ tín dụng mới, như cho vay theo dòng tiền. Công nghệ tín dụng mới này sẽ cung cấp cho các Ngân hàng các mẫu sản phẩm tín dụng được chuẩn hóa, thích ứng với khách hàng, cho phép đánh giá tốt hơn năng lực trả nợ của người vay theo các yếu tố đầu vào mà không hoàn toàn phụ thuộc vào tài sản thế chấp

4) Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các doanh nghiệp nông thôn. Nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nông thôn làm thế nào để xây dựng được một kế hoạch kinh doanh gắn kết một cách tốt hơn với yêu cầu của các Ngân hàng, thiết lập và duy trì một hệ thống kế toán, báo cáo tài chính lành mạnh hay làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả và khả năng sinh lời,…

5) Phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro cho bản thân, các Ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ như miễn hay giảm lãi đối với khách hàng có tham gia bảo hiểm nông nghiệp để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm.

6) Tham gia của Ngân hàng vào bảo vệ môi trường. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, vấn đề môi trường ở Việt Nam đã ngày càng trở lên cấp bách. Đảng và Nhà nước đã ban hành các bộ Luật về Bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, việc thực thi Luật bảo vệ môi trường ở các địa phương còn rất hạn chế. Điều này đã dẫn đến những điểm nóng về môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là ở những làng nghề thủ công và các khu vực có sự tập trung cao các doanh nghiệp trong sản xuất, tái chế giấy, nấu chảy kim loại và nhựa thủ công…Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường cần được các Ngân hàng xem xét một cách tích cực để có thể kết hợp hài hòa mợi ích của Ngân hàng, của doanh nghiệp và bảo vệ được môi trường như thông qua đào tạo huấn luyện đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ tín dụng về các chính sách bảo vệ môi trường hiện hành; cách thức nhận biết và phân loại khoản vay phù hợp với các qui định về bảo vệ môi trường; tăng cường sự phối hợp giữa cán bộ tín dụng với cơ quan môi trường địa phương trong việc thẩm định và giám sát sự tuân thủ của các cơ sở sản xuất.


TS. Hoàng Huy Hà

Tin khác