Thức ăn chăn nuôi tăng giá: Doanh nghiệp cần "bắt tay" với nông dân

16/05/2011

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã 3 lần tăng giá, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của người dân. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn về vấn đề này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết:

Giữa tháng 3 vừa qua, giá nguyên liệu TĂCN thế giới lại tiếp tục tăng, vì vậy các nhà sản xuất TĂCN trong nước cũng phải tăng giá. Tuy nhiên, theo tôi biết, nhiều doanh nghiệp (DN) hiện đang phải tính tới phương án tối ưu để giảm thiểu chi phí sản xuất, các ca sản xuất được bố trí hợp lý, tránh giờ cao điểm…
Hiện, TĂCN đang chiếm tới 70% giá thành chăn nuôi, với tình trạng giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay thì người nông dân chỉ còn cách bỏ chuồng. Trên thực tế, nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn ở các tỉnh phía Nam chưa hoạt động trở lại, hoặc chuyển sang làm nghề khác, khiến ngành chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn.
Trong sản xuất, kinh doanh, khi giá thành tăng thì buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Thế nhưng, người chăn nuôi không thể tăng giá mãi, bởi nếu tăng quá cao, người tiêu dùng sẵn sàng quay lưng lại với sản phẩm trong nước. Vì vậy, để giải bài toán chống lạm phát trong ngành chăn nuôi, theo tôi, phải làm thế nào để giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Việc bình ổn giá lúc này là việc làm đúng đắn, không chỉ bảo vệ quyền lợi cho nông dân mà còn giúp các DN phát triển an toàn và bền vững. Muốn thế, các DN cần vạch ra một chiến lược kinh doanh hợp lý, đặc biệt ưu tiên việc thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân, hạn chế thông qua hệ thống trung gian để góp phần giảm áp lực giá nhập khẩu nguyên liệu.
Mặt khác, hiện nay cơ chế chính sách quản lý của chúng ta đang có rất nhiều kẽ hở về luật đối với các DN kinh doanh TĂCN. Tôi hy vọng, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sớm làm việc với các DN về việc bình ổn giá, chia sẻ lợi ích giữa DN và nông dân.
Theo ông, Nhà nước cần có hỗ trợ như thế nào để DN khắc phục khó khăn này?
Tôi không muốn đề cập nhiều tới việc hỗ trợ từ phía Nhà nước, vì hiện nay có đến 98% DN kinh doanh TĂCN là các công ty tư nhân nên "lời ăn, thua chịu". So với Trung Quốc, Malaysia, họ có rất nhiều cơ chế bảo vệ DN trong nước, trong khi các DN của ta phải tự gồng mình để chống chọi với DN nước ngoài ngay trên "sân nhà".
Nếu nói Nhà nước không quan tâm là không đúng, tuy nhiên, sự quan tâm đó chưa đủ mạnh để vực dậy các DN trong nước. Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, thay vì trông chờ vào Nhà nước, các DN hãy tự "cứu" mình bằng chiến lược kinh doanh an toàn, bền vững.
Chiến lược đó là gì, thưa ông?
Để sản xuất ra TĂCN thành phẩm, các DN phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu, trong đó, đậu tương, khô dầu nhập 90 - 95%; chất khoáng, vitamin, tạo mùi nhập 100%; ngô hơn 50%. Vì vậy, trước mắt để giảm áp lực giá nguyên liệu thế giới tăng, các DN nên tăng cường thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân mà hạn chế thông qua trung gian.
Về lâu dài, các DN cần thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, quản lý nhằm hạ giá thành TĂCN thành phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu ngô, sắn và đậu tương; chú trọng đưa vào sản xuất các giống ngô và đậu tương mới có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích các DN phối hợp với từng địa phương chủ động tạo vùng nguyên liệu. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu TĂCN mới, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được. Tăng cường sử dụng và sử dụng hiệu quả nguồn liệu sẵn có (phụ phẩm nông, công nghiệp).
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/5/28362.html

 


Tin khác