“Cà phê là ngành hàng lớn của VN. Nhưng tại sao lại chưa đem lại lợi ích cho bà con nông dân. Vì tổ chức của chúng ta chưa thực sự hiệu quả”, ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng cục trồng trọt Bộ NNPTNT đánh giá.
"Đẩy lợi" cho nước ngoài vì DN trong nước thiếu vốn
60% sản lượng cà phê trong nước được thu mua bởi khoảng 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua các đại lý thu mua cà phê trực tiếp của nông dân.
Ở thời điểm hiện tại, dù giá cà phê cao xuất khẩu cao ngất ngưởng, nhưng DN trong nước không thể "tranh mua" vì lãi suất cho vay ngất ngưởng.
“Nguyên nhân không phải vì các DNVN không nhạy bén với thị trường mà vì thiếu vốn. Cụ thể, năm 2010 các DNVN dự đoán là giá cà phê lên cao, nhưng vì không có vốn, trong khi điều kiện vay vốn ngân hàng lại hết sức ngặt nghèo như tỷ lệ thế chấp cao (30%), lãi suất cao (xấp xỉ 20%), nên biết được thời cơ nhưng các DN cũng đành “nuốt nước miếng” đứng nhìn.
“Chúng ta cứ nói là cung cấp cho dân, vì dân, nhưng DN không có vốn để lời lãi vào tay DN nước ngoài. Như vậy thì dân được hưởng lợi gì”, Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê nói.
Hiện VN vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, do đó giá trị mang lại không lớn. Ngay cả trong những năm sốt nóng giá cà phê thế giới như 1998 và 2007, thì giá của nông sản thô này cũng chỉ bằng 36,3% và 35,7% giá cà phê hòa tan trên thế giới.
Do vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến cà phê cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê của VN trên thị trường thế giới.
Giải pháp nào cho bài toán “cà phê”?
Để giải quyết thực tế trên, một trong những hướng đi được Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) và Tập đoàn Thái Hòa đưa ra là mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực cà phê.
|
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa sáng 29/4.
|
Theo đó, hai bên sẽ xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và HTX kiểu mới tại các vùng trồng cà phê tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên.
Xây dựng các tổ chức nông dân sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, các chi hội tiến tới tổ chức chuỗi ngành hàng kết nối vùng nguyên liệu tại 4 tỉnh với Tập đoàn Thái Hòa.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu cho mặt hàng cà phê chè tại một số địa phương phù hợp tiến tới thực hiện bảo hộ mặt hàng cà phê chè trong nước và Châu Âu.
Thực hiện giám sát, kiểm tra duy trì hoạt động hợp tác xã và chuỗi cung ứng cà phê từ sản xuất đến phân phối, quản lý chất lượng theo chỉ dẫn địa lý được cấp và tìm kiếm nguồn đầu tư để thực hiện mô hình.
Tập đoàn Thái Hòa dự định sẽ đầu tư 400 tỷ để xây dựng mô hình này. Kỳ vọng đến năm 2015, Tập đoàn Thái Hòa có thể liên kết 15.000 ha vùng nguyên liệu tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên, kết hợp với 15.000 ha cà phê hiện có của Thái Hòa, để đảm bảo cung cấp sản phẩm cà phê chất lượng, có xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho ngay cả những thị trường khó tính như Nhật Bản.
Đặc biệt, theo ông An, với mô hình này, người nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi có sự phối hợp chặt chẽ theo mô hình 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân).
Trong đó chính sách bảo hiểm cho người nông dân là một điểm mới. Cụ thể khi hình thành thành mô hình HTX và HTX liên kết với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thanh toán cho nông dân số tiền bảo hiểm khi có biến động bất lợi.
Diện tích trồng cà phê tại Việt Nam khoảng 500.000 ha với nửa triệu hộ nông dân tham gia trồng nên rất manh mún, nhỏ lẻ. Với mô hình hợp tác xã kiểu mới giữa Tập đoàn Thái Hòa và IPSARD hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng cục trồng trọt Bộ NNPTNT đánh giá: “Mô hình đối tác công tư trong phát triển nông nghiệp được Bộ ủng hộ và Cục sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo trong việc hoàn thiện mô hình này.
Trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung cho nhóm 5 mặt hàng chính, trong đó có rau quả, chè, cà phê, thủy sản và nhóm hàng hóa chung khác”.
AGROINFO – Theo Bee.net.vn
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/4541/201104/Ca-phe-Viet-co-loi-giai-moi-1797672/