Trên thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27%. Đây là mức lãi mà ít doanh nghiệp nào có thể tải được bởi hiện các chi phí cho đầu vào sản xuất cũng đều tăng lên.
Các doanh nghiệp cùng chung khó khăn
Theo ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam “Năm 2011, ngành điều cần khoảng 25.000 tỷ đồng vốn để nhập khẩu nguyên liệu và chế biến. Tự doanh nghiệp chỉ cân đối được tối đa 6.000 tỷ đồng. Song hết quý I-2011, các doanh nghiệp ngành sản xuất này mới tiếp cận được khoảng 10% vốn vay của ngân hàng. Từ tháng 4 đến tháng 6 tới, chúng tôi dự kiến cần 12.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu tuy nhiên doanh nghiệp lại đang đứng trước lựa chọn: Không vay ngân hàng thì không có vốn để sản xuất, khi ấy sẽ lúng túng với việc giải quyết vấn đề lao động, duy trì thị trường và đảm bảo uy tín với khách hàng. Nhưng nếu vay ngân hàng thì chắc chắn lỗ”.
Cùng chung khó khăn, ông Trần Khải Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tân Kim Thành cho biết: hiện Công ty Tân Kim Thành đang vay vốn của một ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên do lãi suất vay hiện quá cao nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Khi lãi suất bên ngoài tăng, bản thân các ngân hàng cũng tự động nâng lên mà không cần hỏi ý kiến người vay, đôi khi khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, vay vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần tuy dễ thở hơn nhưng lại bị phía ngân hàng định giá tài sản thấp hơn.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cũng lên tiếng: với mức lãi suất đi vay hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó mà vay vốn để tiếp tục lại càng khó hơn. Trước đây một đơn vị vốn Aprocimex sản xuất ra được 3 sản phẩm, nhưng hiện nay chỉ sản xuất ra được 1,5 sản phẩm thôi. Như vậy đòi hỏi vốn phải tăng lên, nhưng do chính sách thắt chặt tiền tệ nên các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Đôi khi doanh nghiệp chúng tôi phải lỡ hẹn với bạn hàng nước ngoài vì không có vốn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ với các doanh nghiệp: theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 1/3 doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số doanh nghiệp được vay. Với mức lãi suất rất cao như vậy, không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nghiên cứu của VCCI cho thấy 74,47% doanh nghiệp vẫn muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng.
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp?
Nhiều doanh nghiệp cho biết, thời điểm này tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó nên doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn nhàn rỗi của bạn bè, người thân. Cũng có doanh nghiệp kêu gọi vốn từ cổ đông, chào bán riêng lẻ cho đối tác, công nhân viên chức… Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng không được bền lâu vì số vốn rất hạn chế.
Một giải pháp khác, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn BIDV để nâng cao khả năng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cùng với cổ phiếu, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tìm được một kênh huy động vốn rất hiệu quả. Thông qua kênh này, doanh nghiệp có thể tránh bị pha loãng cổ phiếu, được hưởng ưu đãi thuế đối với vốn vay và giảm chi phí sử dụng vốn. Đặc biệt, nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp, thậm chí không phải trả lãi.
Còn Bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn kinh doanh và Quản trị rủi ro doanh nghiệp - Deloitte Việt Nam thì cho rằng: hợp tác công-tư (PPP) là xu thế tất yếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư cũng như tranh thủ năng lực về quản lý, kỹ thuật, công nghệ của khu vực tư nhân. Từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công của các dự án PPP, Chính phủ xây dựng đầy đủ, minh bạch, công bằng về khung pháp lý, đưa ra một cam kết rõ ràng về lộ trình thực hiện.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=458897