Phát triển kinh tế trang trại ở đồng bằng sông Cửu Long

13/05/2011

Thời gian qua, kinh tế trang trại (KTTT) ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) phát triển khá mạnh. Các trang trại từng bước được mở rộng quy mô hoạt động và hình thành nhiều vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có những giải pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn để KTTT phát triển ổn định, bền vững.
Hiệu quả bước đầu
ÐBSCL hiện có khoảng 40 nghìn trang trại, trong đó, những trang trại làm ăn có hiệu quả ngày càng nhiều, chủ yếu ở các lĩnh vực nông sản, thủy sản và chăn nuôi. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu cho biết, tỉnh hiện có gần 6.000 trang trại, với tổng nguồn vốn hơn 1.000 nghìn tỷ đồng, sử dụng 23.429 ha đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động. KTTT của tỉnh phát triển đa dạng với nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, và vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản (măng cụt, vú sữa, sầu riêng, xoài)... KTTT đã phát huy khá tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng chất lượng cạnh tranh sản phẩm. Năm 2010, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ của các trang trại trên địa bàn đạt 1.438 tỷ đồng. Bình quân giá trị sản lượng canh tác của mỗi trang trại đạt 208 triệu đồng, trong đó các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt từ 250 đến 370 triệu đồng. Phần lớn các trang trại có tổng doanh thu hằng năm vượt xa mục tiêu cánh đồng 50 triệu đồng/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm. Ðây là điều kiện thuận lợi giúp các chủ trang trại mạnh dạn đầu tư mở ra hướng làm ăn mới và đi đầu trong việc tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.
 
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Ðề (Sóc Trăng) kể: Trước đây, cánh đồng rộng hơn 5.000 ha nằm dọc theo hai bên bờ sông Mỹ Thanh toàn là năn lác, chà là... nay đã trở thành vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Nơi đây, có khoảng 80 trang trại nuôi tôm công nghiệp, mỗi trang trại rộng từ năm đến vài chục ha. Sau mỗi mùa tôm, các chủ trang trại lãi ròng hàng tỷ đồng. Ðiển hình như trang trại của Nguyễn Văn Khởi, có 11 ao nuôi tôm công nghiệp cho năng suất rất cao. Nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, khép kín từ khâu thời vụ, xử lý môi trường, cải tạo ao, giống, thức ăn, chăm sóc... cho nên ít bị thiệt hại. Vụ tôm nuôi vừa qua, ông Khởi trúng lớn, bình quân đạt 6 tấn/ao (mỗi ao rộng 5.000 m2). Sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi hơn ba tỷ đồng... Ở cánh đồng năn nhiều trang trại nuôi tôm công nghiệp của các hộ Út Mai, Tám Tiền, Hai Thành Hưng, anh Sủi... cũng lãi hàng tỷ đồng sau mỗi vụ thu hoạch.
Ở tỉnh Ðồng Tháp, nhiều người biết đến trang trại của ông Phan Văn Chừng ở xã Hiệp Phú, huyện Tam Nông. Trang trại rộng 26 ha, canh tác lúa hai vụ. Mấy năm trước, nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi, lại được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn cách nuôi cá đồng, ông đầu tư vốn rồi thuê nhân công đào ao rộng 2.000 m2 bên cạnh nhà và thả 35 nghìn cá lóc giống, cuối vụ thu hoạch trừ chi phí còn lãi 75 triệu đồng; vụ thứ hai, lãi 140 triệu đồng. Ông Chừng khoe: 'Chỉ với cái ao này mà năm nào tôi cũng lời bình quân 100 triệu đồng, chưa kể lợi nhuận từ trồng lúa'. Nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, ông mạnh dạn đầu tư thêm một tỷ đồng phát triển trang trại nuôi cá lóc giữa vùng đất còn đầy năn, phèn nằm cạnh Vườn quốc gia Tràm Chim. Với diện tích gần 4 ha, ông cải tạo, đào chín ao nuôi cá lóc nghịch mùa, thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, thay vì thu hoạch chính vụ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Ông cho biết, thu hoạch vào thời điểm này luôn bán được giá cao từ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Năm nào sản lượng cá thu hoạch cũng đạt khoảng 130 - 140 tấn, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng/vụ/năm...
Nhiều năm qua, các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các chủ trang trại phát huy tính năng động, sáng tạo với nhiều mô hình, cách làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Nhìn chung, phát triển KTTT ở ÐBSCL trong thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn, vì chi phí sản xuất tăng cao, thị trường nguyên liệu và sản phẩm còn bấp bênh; dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt. Nhiều trang trại nuôi tôm sú, cá tra, cá ba sa ở Ðồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng... phải ngừng hoạt động vì thiếu vốn đầu tư, sản xuất kém hiệu quả. Mặt khác, phần lớn các trang trại phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, các địa phương lại thiếu quy hoạch tổng thể cho nên việc hỗ trợ của Nhà nước gặp khó khăn. Sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong phát triển KTTT chưa cao, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hầu hết các chủ trang trại là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản, cho nên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý còn hạn chế; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô và thông qua thương lái nên thường bị ép giá. Mặc dù Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi về chính sách đất đai, đầu tư tín dụng, khoa học công nghệ, thuế, lao động, giống cây, con,... nhưng nhiều trang trại vẫn chưa được thụ hưởng. Thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm, gây khó khăn trong việc thu nhận, giải quyết hồ sơ đầu tư dự án trang trại, cấp giấy chứng nhận KTTT. Việc cấp giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chí chỉ có ý nghĩa tượng trưng, chứ chưa có tác dụng thế chấp khi cần vay vốn ở các tổ chức tín dụng.
Ðể KTTT phát triển nhanh và bền vững, thật sự trở thành động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp trong vùng, các địa phương vùng ÐBSCL đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trang trại. Tỉnh An Giang thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết sản xuất cá tra, ba sa xuất khẩu. Theo đó, các trang trại đầu tư con giống, chi phí nuôi, phòng trừ dịch bệnh còn doanh nghiệp cung cấp thức ăn, sau đó mua cá theo giá thị trường hoặc theo mức giá đã thỏa thuận từ trước. Tỉnh Trà Vinh hỗ trợ các chủ trang trại 100% lãi suất khi vay vốn ngân hàng trong thời hạn ba năm để đầu tư xây dựng chuồng trại, ao vuông; hỗ trợ bò giống, máy vắt sữa; giống vật nuôi, cây trồng; khuyến khích chuyển dịch một số vùng trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Quách Văn Nam cho biết: Tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, vốn, thị trường... nhằm sớm khắc phục những mặt hạn chế và hỗ trợ các trang trại có thêm điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Trước mắt đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâu dài trên toàn bộ quỹ đất hiện có của các trang trại; cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh cho các trang trại có đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi để họ yên tâm sản xuất. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế trang trại và hỗ trợ vốn vay để họ mở hướng làm ăn mới. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm giá nông sản, dự báo thông tin thị trường, tỉnh khuyến khích các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các trang trại nhằm tạo điều kiện thành lập hợp tác xã. Ngoài ra cũng khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với các trang trại, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=458538


Tin khác