Nhà nhà góp đất trồng cao su

13/05/2011

Đến nay, diện tích trồng cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc lên tới hàng chục ngàn ha, với hàng chục ngàn hộ nông dân tham gia. Sau nửa thập kỷ đầu tư phát triển cây cao su ở vùng này, hiện đang có nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt.

Để phát triển nhanh cây cao su, các công ty cổ phần cao su (CTCS) ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã huy động người dân đóng cổ phần bằng đất với giá trị 10 triệu đồng/ha. Đến nay đã có ngàn hộ tham gia góp đất và những bức xúc cũng bắt đầu nảy sinh từ hình thức góp vốn này.
ND xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai, Sơn La) lo âu trước việc góp đất trồng cao su.
 
“Nông dân sẽ thành công nhân”...
Hơn 5 năm qua, câu chuyện phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc trở thành vấn đề thời sự lớn trong các cuộc họp từ cấp tỉnh tới xã, bản và nhiều hộ gia đình. Những kỳ vọng lớn chưa từng có về cao su được phác thảo: Thu nhập mỗi năm khi cây cho mủ tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/ha. Cả tỉnh xanh tươi sắc màu cao su; hàng chục ngàn ND sẽ thành công nhân có thu nhập cao, bền vững. Những ND chân lấm, tay bùn hôm nay sẽ thành ông chủ, thành quản đốc, giám đốc, đi xe hơi, ở nhà lầu. Và Tây Bắc đã tìm ra cây "vàng trắng" với hiệu quả kinh tế-xã hội cao chưa từng có...
Nhưng ngay khi bắt tay vào trồng cao su thì hàng trăm câu hỏi về phát triển cao su ở Tây Bắc được đặt ra mà chưa có câu trả lời rõ ràng: Liệu cây cao su có sinh trưởng và phát triển tốt ở địa bàn này? Sau gần chục năm kiến thiết cơ bản, liệu cây có cho mủ với năng suất cao như trong lý thuyết hoặc so với các tỉnh phía Nam?
Dân góp đất trồng cao su thì trong gần một thập kỷ kiến thiết cơ bản, họ lấy gì để nuôi sống cả gia đình? Việc làm của những người góp đất nếu không được làm công nhân ra sao? Giá cổ phần 10 triệu đồng/ha đất mà CTCS đưa ra có quá thấp so với thu nhập thực tế của người dân hiện nay? Cao su liệu có gây độc hại cho môi trường, sinh thái, nguồn nước của Tây Bắc...
Không góp đất không xong…
Nhưng câu hỏi cứ đặt ra trong khi cây cao su chưa trồng khảo nghiệm ở Tây Bắc bao giờ, chưa có tiền lệ nên không thể có câu trả lời xác thực. Các đoàn tham quan được thành lập, đưa cán bộ, người dân vào miền Trung, miền Nam và sang Trung Quốc… xem họ đã trồng cao su, lấy đó làm thực tế để lý giải, tuyên truyền.
Tuy được thấy tận mắt cây cao su ở miền Nam, miền Trung, nhưng những người đi tham quan vẫn chưa hết lo: Những địa bàn này có chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây cao su và người dân dày dạn kinh nghiệm trồng, chứ ở Tây Bắc chưa ai dám khẳng định cây cao su sẽ cho hiệu quả cao. Hơn nữa, Tây Bắc với địa hình chủ yếu là đất dốc, có một ít diện tích bằng phẳng để trồng cây lương thực và các cây ngắn ngày nhằm đảm bảo nguồn sống cho người dân mà mang ra trồng cao su thì dân sẽ làm gì, lấy gì sống trong gần thập kỷ kiến thiết cây cao su?
Trước những khó khăn ấy, Ban chỉ đạo phát triển cây cao su các tỉnh được thành lập. Cao su từ cây công nghiệp trở thành cây đa mục tiêu; cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động dân góp đất trồng cao su; tài liệu tuyên truyền được in ấn và phát hành, báo chí hô hào, cổ vũ. Nhiều người tuy bán tín, bán nghi về hiệu quả cao su nhưng rồi cũng vào cuộc.
Có những thời điểm, phong trào vận động dân góp đất trồng cao su ở Tây Bắc cuồn cuộn như sóng trào, hút mọi gia đình trong vùng "dự tính" tham gia. Các cuộc họp bản, họp dân liên tục được tổ chức nhằm đả thông tư tưởng về loại cây trồng mới - nghề mới đối với ND Sơn La.
"Diện tích của nhà mình đang trồng ngô, sắn, cây ăn quả hoặc mía đường… năm thấp nhất cũng thu được vài ba chục triệu, nhiều thì 50-60 triệu đồng; lại có việc làm quanh năm cho cả vợ, con, nhưng vẫn phải góp đất trồng cao su thôi. Cán bộ bảo đây là cây xoá nghèo-làm giàu cho mình mà. Nhiều hộ chưa thông lắm nhưng cũng nghe theo, ký tên góp đất trồng cao su”" - một ND xã Mường Bon, huyện Mai Châu cho biết.
Lo âu
Chỉ vào tấm biển lớn của Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La cắm ngay đầu đường vào bản, anh Lò Văn Loan - Trưởng bản Huổi Hao, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La), nói: “Tôi sống đã gần 50 năm trời, đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, nhưng chưa thấy cây nào ở đất này được đề cao như cây cao su”.
Cũng như một số hộ ở bản Huổi Cưởm, 3 năm trước, khi cán bộ đến vận động dân bản góp đất trồng cao su, gia đình anh Loan không chấp nhận vì nhìn thấy trước những khó khăn. “Cả nhà tôi có 1ha đất trồng ngô, sắn; vừa có thu nhập, vừa có miếng ăn hàng ngày, vừa có việc làm cho cả 4 người trong gia đình. Góp đất vào trồng cao su được cổ phần có 10 triệu đồng mà tới chục năm sau mới được hưởng lợi. Việc làm hàng ngày thì bấp bênh, thu nhập thấp, lấy gì mà sống...
Hiện tổng diện tích trồng cao su ở miền núi phía Bắc lên đến gần 20.000ha; trong đó 5 tỉnh Tây Bắc chiếm tới 80% diện tích và đang tiếp tục lan rộng tới các địa bàn mới.
Vận động mãi không được, thế là họ đưa tôi lên làm trưởng bản, đưa vào đội quản lý vườn cao su, có thêm mấy trăm ngàn phụ cấp. Mình là cán bộ bản, lại có những quyền lợi mà họ hứa, thế là mình đem hết 1ha đất góp cổ phần. Những hộ khác cũng làm theo, cả bản góp đất hết. Bây giờ thấy hoang mang quá" - anh Loan tâm sự.
Cao su đang được các địa phương miền núi phía Bắc chú trọng phát triển hơn bất cứ loại cây nào vì "những ích lợi tương lai chưa chắc chắn" mà không tính đến những khó khăn người ND đã, đang và sẽ phải gánh chịu cũng như các vấn đề an sinh xã hội khác. Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc tổ chức cuối năm 2010, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã "bác” đòi hỏi của Tổng Công ty Cao su Việt Nam về việc "cây cao su cũng được hưởng các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư như các cây công nghiệp khác".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:  http://danviet.vn/42738p1c25/nha-nha-gop-dat-trong-cao-su.htm


Tin khác