Dịch bệnh trên thủy sản liên tục hoành hành, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trong những năm qua. Ngành thú y chịu trách nhiệm chính trong việc phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, nhưng đến giờ, lại gần như vẫn đang… đứng ngoài.
Từ chuyện ở Mỹ Thanh
Chưa năm nào, dịch bệnh trên tôm sú đang gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm Sóc Trăng như năm nay. Khi nghe các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (gọi tắt là Viện 2), công bố tôm chết chủ yếu do bệnh teo gan, tụy, người nuôi tôm Sóc Trăng lại càng thêm lo lắng, vì trước đây, họ chỉ quen đối phó với các căn bệnh đốm trắng, đầu vàng …
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, than vãn “Từ khi bùng nổ dịch bệnh trên tôm trong vụ này, anh em hội viên cứ tìm tôi mà hỏi rằng tôm đã chết trên 90% rồi, nhà khoa học Việt Nam đang ở đâu? Gần chỗ chúng tôi nhất là ĐH Cần Thơ, nhưng Trường này thuộc Bộ Giáo dục, công việc chính là đào tạo chứ không phải nghiên cứu phục vụ sản xuất. Chúng tôi đành lại phải cầu cứu Viện 2. Phải công nhận các nhà khoa học ở Viện 2 rất nhiệt tình với nông dân, với con tôm sú. Họ xuống lẫy mẫu để xét nghiệm liền. Nhưng đi lấy mẫu, làm xét nghiệm ở mức độ bình thường, thày Hảo (TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2) có thể chịu đựng được. Còn triển khai trên quy mô rộng thì hình như Viện 2 không có khoản kinh phí cho công việc này”.
Theo ông Nhiệm, từ nhiều năm nay, mỗi khi xảy ra dịch bệnh trên tôm sú, người nuôi tôm Sóc Trăng vẫn chỉ biết cầu cứu các nhà khoa học. Trong khi đó, dù là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong phòng chống dịch bệnh, nhưng ngành thú y gần như chưa giúp được gì cho người nuôi tôm Sóc Trăng. Trong đợt dịch bệnh này cũng vậy. Đến giờ vẫn chưa thấy ngành thú y làm công tác tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi tôm những thông tin về dịch bệnh cũng như các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Nói về bệnh teo gan đang hoành hành trên các ao tôm ở Sóc Trăng, ông Nhiệm không dấu nổi bức xúc: “Đây không phải lần đầu tiên tôm ở chỗ chúng tôi chết chủ yếu bởi căn bệnh này. Tháng 7 năm ngoái, khi tôm bị bệnh chết hàng loạt, Hiệp hội đã phải kêu cứu các nơi. Bên ngành Thú y có tới xem xét, nhưng chỉ qua loa. Bên Viện 2 xuống lấy hàng chục mẫu về xét nghiệm. Kết quả cho thấy căn bệnh chủ yếu là teo gan. Nhưng đáng tiếc là do hạn chế về kinh phí nên mọi việc chỉ dừng ở đó, mà không có hành động đến nơi đến chốn để tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh, phương án phòng trị …. Thành ra, bệnh teo gan từ đó dây dưa đến bây giờ và bùng phát thành đại dịch”.
Công bố dịch mới nhảy vào
Ông Dương Ngọc Hùng, khuyến nông viên ở xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An), đồng thời cũng là một người nuôi tôm, cho biết, dù dịch bệnh trên tôm sú, tôm thẻ vẫn thường xuyên xảy ra ở xã này, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm vẫn chưa thấy ngành thú y tham gia vào mà gần như vẫn do Trung tâm Khuyến ngư vùng hạ đảm nhận. Theo đó, trước khi vào vụ nuôi, Trung tâm lại tổ chức thông tin, tập huấn cho nông dân về tình hình môi trường, cách phòng chống dịch bệnh … Khi dịch bệnh xảy ra, Trung tâm cũng xuống xem xét, hướng dẫn cho nông dân những giải pháp khắc phục. “Thế còn thú y?”, tôi hỏi. Ông Hùng bảo: “Bên thú y cũng xuống xem xét, nhưng chỉ thế thôi. Khi nào công bố dịch, cần phải dập dịch thì họ mới làm. Bao nhiêu năm nuôi tôm, mỗi khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, chúng tôi chỉ tìm tới chỗ khuyến ngư thôi”.
Ông Chín Khôi, là chủ 2 ha tôm ở ấp 5, xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre). Cũng như hầu hết các hộ nuôi tôm ở Thạnh Phước, toàn bộ các ao tôm của ông Chín Khôi vừa bị mất trắng bởi dịch bệnh, thiệt hại ước trên 100 triệu đồng. Ông Khôi cho biết trước đây, dịch bệnh trên tôm cũng đã từng xảy ra ở Thạnh Phước, nhưng chưa bao giờ nặng như năm nay. Hiện tại, huyện Bình Đại đã phải ra một lệnh tạm thời cấm thả nuôi mới trên địa bàn, có hiệu lực kể từ đầu tháng 5. Điều đáng lo nhất là nếu như trước đây, tôm ở Thạnh Phước thường chết do đốm trắng, thì năm nay lại do một loại bệnh mới là vi bào tử. Chính vì thế, sau khi có kết quả xét nghiệm, phần lớn các hộ nuôi tôm Thạnh Phước đã liên hệ với bên ngành thủy sản để xin thuốc hủy cả ao tôm, đó là loại thuốc chuyên diệt các loài giáp xác. Tôi hỏi “Xin thuốc sao không hỏi bên thú y?”.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho rằng, đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh trên con tôm ở nước ta rõ ràng là không tương xứng với giá trị mà nó mang lại. Ông Nhiệm nói: “Mỗi năm, con tôm đem về 2 tỷ USD từ xuất khẩu. Trong đó, chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 50-60%, tức là con tôm mang về nhiều USD hơn hẳn so với sản phẩm dệt may vì có tới 90% nguyên liệu ngành dệt may là nhập từ nước ngoài. Nhưng đến giờ, các Bộ ngành và chính quyền các địa phương chưa có những chính sách thỏa đáng đối với con tôm, nhất là trong khâu phòng chống dịch bệnh. Theo tôi, cần có chính sách dự phòng sẵn một khoản kinh phí để khi xảy ra dịch bệnh, các Viện, Trường có thể sẵn sàng vào cuộc giúp nông dân phòng trị dịch bệnh kịp thời”.
Ông Khôi nói “Người nuôi tôm chúng tôi chỉ biết tới bên thủy sản thôi, vì chỉ có bên thủy sản mới xuống tập huấn, hướng dẫn cho chúng tôi cách phòng trị dịch bệnh. Rồi khi có dịch bệnh, chúng tôi báo lên thì họ cho người xuống lấy mẫu về xét nghiệm. Thú y chưa bao giờ làm những việc này nên chúng tôi không tới”.
Ông Đặng Văn Dũng, một hộ nuôi tôm lớn cũng ở xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre), không dấu nổi bức xúc: “Càng nuôi tôm, tôi mới càng biết thêm rằng con tôm có nhiều bệnh nguy hiểm, đâu chỉ có đốm trắng, đầu vàng … Vậy mà những căn bệnh mới như bệnh vi bào tử đang hoành hành ở đây, chẳng có cơ quan nào cảnh báo trước cho chúng tôi biết, cũng chẳng có ai tập huấn cho nông dân cách phòng tránh căn bệnh này. Tôi vừa xem tivi, thấy nói ở bên Sóc Trăng, tôm chết chủ yếu vì một căn bệnh mới khác là teo gan. Chẳng biết nay mai con tôm ở nước ta còn xuất hiện thêm căn bệnh nào nữa? Không được cảnh báo, tập huấn cách phòng tránh những căn bệnh ấy, loại thuốc nào đặc trị …, người nuôi tôm chẳng khác gì đang đánh bạc với trời?”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78145/Default.aspx