Theo thống kê của Sở NNPTNT Lâm Đồng, ngoài 10.000ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, trên địa bàn toàn tỉnh còn có đến 40.000ha cà phê trên 20 năm đã hoàn toàn già cỗi, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.
"40.000ha này phải được nhanh chóng chuyển đổi bằng giống cà phê chất lượng cao hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác" - một lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết.
|
Nhiều diện tích càphê của Lâm Đồng đã già cỗi. |
Song, cũng theo sở này, vụ cà phê vừa qua, giá cà phê nhân cao ngất ngưởng (từ 40.000 - 45.000 đồng/kg - giá cao nhất trong vòng 5 năm qua) đã khiến cho nhiều hộ nông dân "triệt tiêu" ý định phá bỏ vườn cà phê cũ để thay thế vườn cây có chất lượng cao hơn.
Trong khi đó, theo quy hoạch chung của tỉnh, từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, Lâm Đồng sẽ ổn định diện tích cà phê chỉ khoảng 135.000ha (giảm gần 8.000ha so với hiện nay); trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thay thế các giống cà phê mới theo chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Thực tế, việc vận động người dân phá bỏ khoảng 50.000ha cà phê hiện có sang trồng các loại cây trồng khác hoặc sang trồng cà phê chất lượng cao ở Lâm Đồng hiện nay (trong bối cảnh giá cà phê tăng cao) là việc làm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh “việc giữ lại diện tích cà phê già cỗi sẽ là "điều đáng tiếc" trong tương lai không xa”.
Hiện giá 1kg cà phê chung của Tây Nguyên là 46.500 đồng thì giá cà phê của Lâm Đồng không đến 46.000 đồng. Chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản và còn phụ thuộc khâu chế biến và cả bao bì. Thế nhưng, cà phê Lâm Đồng đã không đủ "tầm" để nâng vị thế của mình trên thị trường nên việc luôn luôn thấp hơn một vài giá cũng là điều không quá khó hiểu.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/42758p1c34/can-chuyen-doi-40000ha-ca-phe-gia-coi.htm