Thái Bình đang xây dựng "Đề án nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015", dự kiến đây sẽ là tỉnh đầu tiên của nước ta ra nghị quyết về NTM. NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hạnh Phúc - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình.
Thưa ông, sau một thời gian triển khai Nghị quyết "tam nông" và Quyết định (QĐ) 800 của Thủ tướng Chính phủ về NTM, cho đến nay, Thái Bình đã thực hiện những công việc gì?
- Ngay sau khi có Nghị quyết T.Ư 7 về "tam nông", Thái Bình đã triển khai xây dựng NTM trước cả khi có QĐ 800. Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Bí thư các cấp làm Trưởng ban, đồng thời tỉnh cũng tổ chức cho một đoàn cán bộ đi sang Trung Quốc để tham quan và học tập xây dựng mô hình NTM.
|
Tham quan mô hình NTM ở xã Thanh Tân (Kiến Xương). |
Tiếp đó, Thái Bình đã chọn ra 8 xã của 8 huyện để làm điểm về xây dựng NTM. Trong quá trình làm, theo chúng tôi điều quan trọng nhất là phải làm được khâu quy hoạch, đây cũng là bước đầu tiên để làm NTM và cũng là khâu khó nhất. Từ đó, chúng tôi đã đề ra các bước, cách quy hoạch, các tiêu chí, định mức về quy hoạch để hình thành ra bộ tài liệu về công tác quy hoạch cho 267 xã trong toàn tỉnh.
Thực tế, chúng tôi đã triển khai quy hoạch từ năm 2008, 2009 và đã triển khai xong. Theo tôi, người dân phải được tham gia và đóng góp ý kiến trong suốt quá trình làm quy hoạch, đến khi làm quy hoạch xong thì phải công khai cho dân biết để giám sát.
Điều trăn trở lớn nhất từ T.Ư đến địa phương hiện nay là làm thế nào để nâng cao được thu nhập của người dân trong quá trình làm NTM. Khi làm NTM, Thái Bình đã đặt định hướng cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Theo ông Phúc, có 2 tiêu chí động cần phải điều chỉnh khi xây dựng NTM, đó là thu nhập của người nông dân, vì mỗi năm có sự thay đổi, chẳng hạn như thu nhập cả tỉnh năm sau tăng hơn năm trước, dẫn tới thu nhập của người dân cũng phải điều chỉnh theo để đạt tiêu chí này, mà nói thật nông thôn mà cao gấp 1,5 lần là hơi khó. Tiêu chí nữa là về người nghèo (mỗi xã chỉ còn 3%), nhưng nếu khi có điều chỉnh về tiêu chí hộ nghèo, có khi lại không đạt.
- Mặc dù có rất nhiều tiêu chí về NTM, nhưng chúng tôi rút gọn chỉ còn 20 chữ, đó là: "Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ". Dù chỉ có 20 chữ, nhưng đây chính là sự thể hiện cả bước đi, cách làm về NTM với tiêu chí đầu tiên là phải chú ý đến sản xuất, rồi mới đến nâng cao đời sống của người dân để cho họ tin và đồng thuận với nhà nước.
Nhưng để làm được việc này, một khâu rất quan trọng đó là tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân, xác định đây là một phong trào cách mạng do người dân làm chủ và thực hiện, nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” (định hướng, hỗ trợ đầu tư).
Chúng tôi đã quy vùng sản xuất để khuyến khích người nông dân làm vụ đông, từ đó đã tăng diện tích từ 30.000 lên 40.000ha, đây là nguồn thu rất lớn của người dân.
Đầu tiên, là việc chỉnh trang ruộng đồng để sản xuất phát triển bằng việc dồn điền, đổi thửa (mỗi hộ chỉ còn 1-1,5 thửa), trước mắt chúng tôi đã hoàn thành được việc này ở 8 xã điểm.
Điều quan trọng là, sau khi hoàn thành chúng tôi đã huy động được sức dân tham gia đắp các bờ vùng, bờ thửa. Tiếp đó là đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng bằng cách hỗ trợ người dân mua máy móc theo phương án: Nông dân bỏ 50% chi phí, tỉnh hỗ trợ 50%...
|
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình.
|
Thái Bình đang triển khai xây dựng "Đề án NTM giai đoạn 2011-2015" và chuẩn bị ra nghị quyết về vấn đề này. Ông có thể cho biết, nghị quyết này sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
- Trước mắt, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện đề án và dự kiến Tỉnh uỷ Thái Bình khoá mới sẽ ra nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ chính là NTM. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, tất cả các xã của Thái Bình phải đạt được 15 tiêu chí và từ nay đến 2015, 67 xã phải đạt 19 tiêu chí, trong đó 8 xã điểm đạt tiêu chí NTM vào năm 2013. Số xã trên tương đương 25%, trong khi T.Ư đặt ra là 20%.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đề ra 6 nhóm giải pháp, đó là: Tuyên truyền. Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Xây dựng cơ sở hạ tầng. Đào tạo nghề cho nông dân, đưa đào tạo cho cán bộ xã, phường có kiến thức về NTM. Phát triển văn hoá- xã hội. Củng cố tổ chức đoàn thể, chính trị.
Sự nghiệp NTM là do người dân tự chủ, tự làm và tham gia đóng góp. Nhưng liệu ở nơi này, nơi khác vì chạy theo thành tích, đạt cho được mục tiêu về xây dựng NTM mà người dân phải đóng góp quá nhiều và gây khó khăn cho họ. Ở Thái Bình, vấn đề này liệu có thể diễn ra không, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM bây giờ là nguồn vốn đầu tư. Theo tính toán của chúng tôi, với 67 xã đạt tiêu chí NTM năm 2015 phải mất 4.000 tỷ đồng, còn nếu đầu tư cho cả 267 xã sẽ là trên 6.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn, vậy phải làm thế nào để huy động, chúng tôi đã phân kỳ ra như các trục đường giao thông, trụ sở xã, hệ thống thuỷ lợi… nhà nước sẽ đầu tư, còn người dân chỉ cần bỏ công ra để đào đắp bờ vùng, bờ thửa.
Nếu như tính ra tiền, số công sức mà dân bỏ ra sẽ là rất lớn như ở Thanh Tân người dân đã đóng góp được 11/26 tỷ đồng để xây dựng NTM bằng công sức lao động, rồi huy động con em quê hương ở xa về đóng góp.
Hay như việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây ven đường, chỉnh trang nhà ở… cũng là do người dân tự làm cả, còn nhà nước đầu tư vào những công trình chính thôi. Theo tôi, đây là cuộc cách mạng không thể ép dân làm ngay được, mà phải làm từ từ theo sức dân, tiêu chí nào làm được thì làm trước, tiêu chí khó làm sau.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/42603p1c34/cuoc-cach-mang-ve-khoan-suc-dan.htm