Người trồng lúa hứng "bão giá" vật tư

12/05/2011

Giá cả các mặt hàng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đang tăng cao cộng với một vụ mùa không thuận lợi về mặt thời tiết và dịch hại làm tăng chi phí sản xuất. Trong đó, giá phân bón liên tục tăng cao theo giá điện và xăng dầu đang là nỗi lo cho nông dân ĐBSCL.

Vụ sản xuất chính trong năm đã qua, nông dân ĐBSCL lại đang tất bật chuẩn bị cho một vụ lúa mới. Gặp chúng tôi, ông Út Lam, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nói chuyện với tâm trạng nửa mừng nửa lo: Vụ ĐX năm nay, lúa bán được giá nên đã bù đắp lại được phần nào cái lỗ lã của nhiều vụ trước. Tuy nhiên, niềm vui này chưa trọn khi bước vào vụ hè thu, các mặt hàng phục vụ sản xuất đang tăng cao từng ngày.
Ông Lam cho biết, vụ HT được coi là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm vì thời tiết thường không thuận lợi, dịch bệnh nhiều, lúa thường bị ngã sập do mưa gió kéo theo hàng loạt các chi phí về phơi sấy, công cán vận chuyển. Mặt khác, vụ này năng suất thường đạt thấp so với vụ ĐX từ 15-20%. Đặc biệt, sau khi các mặt hàng thiết yếu như điện và xăng dầu tăng lên làm cho giá cả các mặt hàng như phân bón, thuốc BTVT ào ào leo theo. Cụ thể với diện tích trên 10 ha, mỗi vụ gia đình ông sử dụng trên 15 tấn phân các loại (trên 300 bao) với lãi suất 3% (trả cuối vụ) nên chi phí cho phân bón là một gánh nặng.
Theo ông Lam, giá phân hiện nay đã tăng lên từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/bao tùy loại. Trong đó, phân ure hiện có giá 490.000 đồng/bao, phân DAP là 730.000 đồng/bao (đã được kê lãi vào). Ông Lam cũng cho biết thêm, ngoài việc nông dân đang hứng chịu các đợt tăng phân bón, thuốc BVTV thì tiền thuê mướn nhân công như phun xịt thuốc trừ sâu, sạ phân cũng tăng từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/người/ngày.
Ông Lam nói: “Chỉ riêng trên phần đất nhà tôi, bệnh vàng lùn đã xuất hiện và gây hại khoảng 10% diện tích lúa. Để hạn chế thiệt hại và đạt năng suất thì cần rất nhiều phân, thuốc. Do đó, chắc chắn giá thành sản xuất sẽ còn cao hơn. Đến cuối vụ này, giá lúa giữ được 5.000 đồng/kg thì có thể có lãi khoảng 10%”. Theo tính toán của ông Lam, nếu làm ruộng lãi như vậy thì chẳng nên làm. Bởi nếu một gia đình làm ruộng được 1 ha, giá lúa bán ra 5.000 đồng/kg thì sau 3 tháng lam lũ trên đồng chỉ thu được 5 triệu. Tính ra 1 tháng lãi được hơn 1 triệu đồng thì chưa đủ ăn chứ nói chi chuyện có dư mà tích lũy.
"Trong lúc khó khăn này, tôi thấy các DN đặc biệt là các DN kinh doanh phân bón cần biết chia sẻ lợi nhuận của mình người nông dân. Thay vì DN lãi 5 đồng thì bây giờ nên tính toán lại như thế nào đó mà bớt xuống còn 3, 4 đồng, chia cho nông dân 1, 2 đồng bằng cách giảm giá bán để nông dân hưởng lợi”- TS Dương Nghĩa Quốc nói.
 
Theo TS Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh xuống giống 190.000 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong vụ ĐX vừa qua, nhờ lúa được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hiện nay là các mặt hàng như điện, xăng, dầu đều tăng làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Giá lúa có tăng nhưng chưa theo kịp với giá phân bón, thuốc BVTV.
Cùng cảnh ngộ như nông dân Đồng Tháp, ông Nguyễn Phúc Khang ở xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết, gia đình ông canh tác hơn 30 công đất lúa, mỗi mùa tiêu thụ 5-6 tấn phân các loại. Đã thành thông lệ, cứ thu hoạch xong là ông tìm mua phân bón, thuốc BVTV ngay để mang về dự trữ nhằm tránh tình trạng cứ vào đầu mùa gieo sạ là mặt hàng này lại tăng giá.
Việc làm của ông ngay lập tức có tác dụng, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà mỗi bao phân ure bắt đầu nhích dần lên từ 10.000 đồng rồi lên 50.000 đồng/bao. Riêng mặt hàng thuốc BVTV cũng tăng khoảng 10-15%, tiền công làm đất cũng tăng từ 93.000 đồng/công lên 117.000 đồng/công do giá xăng dầu tăng cao. Ông Khang than: “Làm ruộng bây giờ vất vả lắm. Thấy giá lúa đang cao nhưng cũng chớ vội mừng vì nếu tính lại cho kĩ thì lời chẳng có bao nhiêu. Còn nếu giá lúa chỉ có hơn 4.000 đồng/kg như vụ HT năm ngoái thì coi như chết chắc” - ông Khang nói.
 
ThS Nguyễn Hữu An – Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, toàn tỉnh đã xuống giống trên hơn 210.000 ha/230.000 ha lúa, đạt hơn 91% diện tích. Số còn lại chủ yếu tập trung ở những vùng trồng lúa nếp. Vụ HT năm nay, nông dân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhất là những trà lúa sớm do nông dân không tuân thủ lịch xuống giống. Hiện tại có một số diện tích đã bị bệnh vàng lùn, 1.000 ha bị chuột đồng, ốc bươu vàng cắn phá có khả năng làm giảm năng suất. Vài trăm ha khác, ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy nhưng đã được khắc phục ngay từ đầu nên thiệt hại không đáng kể.
Theo tính toán, chi phí sản xuất vụ hè thu năm nay sẽ tăng từ 10 - 15%. Đáng quan tâm nhất hiện nay vẫn là giá phân bón, thuốc BVTV đang tăng cao. Do đó, để tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất trong thời điểm giá cả VTNN leo thang như hiện nay, ông An khuyến cáo bà con nông dân nên thực hiện tốt chương trình “1 phải, 5 giảm" đó là phải dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm phân bón.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/78057/Default.aspx


Tin khác