Khác với người trồng sắn hay mía, người trồng tiêu đang giữ “thế trên”, buộc thương lái hay công ty thu mua phải đàm phán giá hợp lý mới chịu bán.
Hơn một tháng trở lại đây sáng nào ông Nguyễn Văn Hiền (Lộc Ninh, Bình Phước) cũng đều lên mạng Internet để xem diễn biến giá tiêu thế giới và trong nước. Chả là từ hồi đầu vụ, do cần tiền chi trả phân bón, thuốc trừ sâu và sinh hoạt gia đình, ông Hiền đã bán 2 tấn tiêu với giá gần 100.000 đồng/kg. “Khi đó giá đã cao gấp đôi giá đầu vụ năm ngoái thấy mà ham, lại đang cần tiền nên tôi bán luôn” - ông Hiền nói.
Sau khi nhận được thông tin năm nay sản lượng tiêu thế giới giảm, giá sẽ tăng cao đến cuối năm, ông Hiền đã cất tiêu vào kho chờ giá lên. Tiên liệu của ông Hiền không sai, chỉ hai tháng sau giá từ gần 100.000 đồng/kg đã vọt lên gần 120.000 đồng/kg. Với 4 tấn tiêu còn cất trong nhà, ông Hiền đã có thêm 80 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) cho biết năm nay thu hoạch vườn tiêu được 17 tấn. Hồi đầu vụ giá cao nên ông bán hơn 10 tấn để lấy tiền mua miếng đất ở TP.HCM, còn lại 3 tấn trong nhà và 3 tấn ngoài vườn chưa thu hoạch. Khi được hỏi vì sao giá tiêu cao kỷ lục mà còn chưa bán, ông Thịnh giải thích rành rẽ: “Năm nay Ấn Độ, Indonesia và cả Brazil đều mất mùa mà nhu cầu thế giới tăng 5% nên chắc chắn giá sẽ còn tăng nữa. Số tiêu còn lại tôi đợi lên đến 140.000-150.000 đồng/kg mới bán”.
Để trữ lại 2 tấn tiêu vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Đức Tâm (xã Lộc Tấn, Lộc Ninh) phải bán bốn con bò để lấy tiền trả cho đại lý phân bón đã mua nợ vào tháng 7 năm ngoái và để chi tiêu hằng ngày. “Theo thông tin tôi nhận được thì tiêu còn tăng giá nên tôi quyết định trữ lại. Năm trước vừa bán xong 1,5 tấn với giá 57.000 đồng/kg, chưa đầy hai tháng sau giá tăng lên hơn 90.000 đồng, nghĩ mà tiếc đứt ruột” - ông Tâm nói.
Hiện tượng người dân trữ tiêu trong nhà không còn là chuyện hiếm mà rất phổ biến trong ngành hồ tiêu. Theo ông Trần Đức Tụng - chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), người dân bây giờ đã khác trước kia chỉ biết làm ra sản phẩm còn giá để cho thương lái tự quyết. “Bây giờ người dân có mạng Internet cập nhật giá hằng ngày nên chính họ là người quyết định giá chứ không phải thương lái nữa” - ông Tụng nói.
Nông dân có lợi khi chủ động
Trong hội nghị ngành hồ tiêu mới được tổ chức, ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch VPA, nói do nắm bắt thông tin thị trường và có khả năng dự trữ nên “chỉ duy nhất ngành tiêu nông dân quyết định được giá bán sản phẩm của mình, trong khi các ngành khác người dân bị ép giá”. Theo ông Nam, khác với các ngành nông nghiệp khác, người dân trồng tiêu sau nhiều năm trúng mùa được giá đã có của ăn của để nên chủ động giữ hàng trong nhà, đợi khi được giá mới bán.
“Sáng ra người dân lên mạng xem giá giao dịch thế giới thế nào rồi quy ra giá tiền đồng. Nếu giá thế giới tăng thì họ bán tăng, còn khi giá thế giới giảm thì họ đợi. Nhiều lúc doanh nghiệp khó mua được hàng để sản xuất và xuất khẩu” - ông Nam nói.
Đại diện một công ty xuất khẩu tiêu Ấn Độ (văn phòng tại TP.HCM) thừa nhận hiện nay rất khó mua tiêu. “Chỉ mấy năm trước khi công ty có mặt tại VN người trồng tiêu khi thu hoạch gọi thương lái đến mua, còn nay ngược lại. Để mua được hàng, nhiều công ty và đại lý phải năn nỉ người trồng, gọi điện năm lần bảy lượt mới mua được” - vị đại diện này cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ đại lý thu mua tiêu ở thị xã Phước Long (Bình Phước), cho biết: “Những năm trước vào tháng 3 đến tháng 4 hầu hết tiêu sau khi thu hoạch đã được nông dân bán để lấy tiền trả nợ vật tư nông nghiệp, chi tiêu. Thời điểm này trung bình mỗi ngày đại lý của tôi mua hàng chục tấn nhưng hiện chỉ mua được vài ba trăm ký, ai cũng cho biết tiêu còn nhưng trữ chờ tăng giá”.
Ông Nguyễn Quang Cánh, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, cho biết tình hình sản lượng tiêu giảm ở nhiều nước thì việc nông dân tích trữ tiêu chờ tăng giá sẽ không có gì mạo hiểm và khó gặp rủi ro.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tại TP.HCM nói rằng việc người dân chủ động khi nào bán, khi nào trữ và quyết định giá bán khiến doanh nghiệp phải tính lại kế hoạch kinh doanh của mình. Họ phải mua một lượng hàng nhất định ở đầu vụ rồi căn cứ vào đó để ký các hợp đồng và chuyển từ các hợp đồng dài hạn sang ngắn hạn và giao ngay.
Theo VPA, sản lượng tiêu của VN chiếm tới 30% tổng sản lượng tiêu toàn cầu. Mỗi năm VN xuất khẩu 100.000 tấn tiêu. Do đó, khi người dân chủ động nguồn cung ra thị trường thì họ cũng gián tiếp giữ giá cao không chỉ trong nội địa mà còn cả giá thế giới
AGROINFO – Theo Cafef.vn
Nguồn: http://cafef.vn/2011050909469273CA39/trong-tieu-trung-dam.chn