Khi “cò lúa” móc túi nông dân

09/05/2011

Trong lúc người dân ở hầu hết các địa phương ở ĐBSCL chuẩn bị thu hoạch lúa cũng là thời điểm tất cả "cò" trong vùng hoạt động một cách mạnh mẽ và náo nhiệt.

Mấy năm gần đây người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất bức xúc về việc không bán được lúa trực tiếp cho thương lái mà phải qua một đầu mối khác. Ngay cả thương lái cũng không dám vào mua lúa của nông dân.
Việc này diễn ra một cách hết sức công khai. Phóng viên đã có chuyến thực tế tại ĐBSCL để tìm hiểu nguyên nhân sự việc trên.
Nếu có nhu cầu bán lúa thì qua... "cò"
Trong lúc người dân ở hầu hết các địa phương ở ĐBSCL chuẩn bị thu hoạch lúa cũng là thời điểm tất cả "cò" trong vùng hoạt động một cách mạnh mẽ và náo nhiệt. "Cò" tìm đến những nhà đã và chuẩn bị thu hoạch, gạ bán lúa với giá mà họ đưa ra, giá trên thị trường là 5.000 đồng thì cò ra giá chỉ có 4.800 đồng. Nếu mặc cả thành công thì ngay hôm sau "cò" sẽ đưa người đến lấy lúa.
Bà Nguyễn Thị Văn (ấp kinh 8B Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết: Chúng tôi muốn bán trực tiếp cho thương lái nhưng không có thương lái nào chịu vào mua lúa của chúng tôi. Bởi hầu hết các thương lái đều đã được "cò" liên hệ trước, và phải thông qua đầu mối là "cò". Thương lái chỉ biết theo chỉ dẫn của "cò" đến nhà người dân có nhu cầu bán lúa mà "cò" đã giao dịch trước đó. Bà Văn than thở: "Chúng tôi làm được hạt lúa bao nhiêu mồ hôi nước mắt, giá cả cái gì cũng tăng mà khi bán còn bị chèn ép không được trực tiếp bán theo ý mình, thật khốn khổ".
Chị Khoa - Người dân trong vùng - chia sẻ: "Vụ trước nhà tôi bán lúa đợt một, còn để lại 10 bao, nhưng sau kẹt quá muốn bán trực tiếp cho thương lái nhưng đều bị từ chối. Biết nhà bên cạnh bán lúa, muốn bán chung với họ, nhưng thương lái một mực không chịu mua lúa của tôi, một hai là phải qua "cò" họ mới dám mua".
Được biết nhóm "cò" này đa số là những đối tượng ít ruộng đất và nghèo trong địa phương. Lúc đầu họ chỉ là người đi vác lúa mướn cho các thương lái, được các thương lái nhờ vả kiếm mối lúa và được cho một ít phần trăm. Thấy có thể kiếm lợi nhờ vào việc "cò lúa" các đối tượng này đã lập thành nhóm, hoạt động công khai. Nhóm "cò" này thường xuyên tìm hiểu nhà nông dân có nhu cầu bán lúa để trao đổi.
Hơn thế nữa, nếu người dân cần tiền "cò" sẵn sàng cho vay với điều kiện lúc thu hoạch lúa phải bán cho họ. Có những nông dân phải bán lúa với giá thấp hơn hẳn so với thị trường. Mỗi phi vụ thành công thương lái phải chi phần trăm cho cò 50 ngàn đồng/tấn lúa. Còn nếu "cò" mua lúa của người dân với giá thấp hơn thị trường thì phần còn lại "cò" được hưởng.
Chị Hồng - Một thương lái - cho hay, nếu không qua tay "cò" thì không ra khỏi làng được, bởi khi vào mua chúng tôi phải nhờ đến "cò" để hỏi nhà nào có nhu cầu bán, được "cò" đưa đến tất nhiên phải chi phần trăm cho họ. Chị nói thêm: "Cách đây một năm một thương lái vào mua lúa của nông dân mà không qua "cò", thế là khi mua xong đã bị các đối tượng này trả thù bằng cách ném đá và chửi rủa một cách thậm tệ. Từ đó về sau không thương lái nào dám vào mua trực tiếp của nông dân.
Thiệt nhưng biết kêu ai?
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất trên cả nước, tình hình này diễn ra một cách không có kiểm soát, nông dân nghèo bị thiệt rất nhiều. Một người dân cho biết: "Đã trình báo việc này với ban ấp rất nhiều rồi mà chuyện đâu vẫn còn đó, riết rồi cũng không phải thôi".
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chánh Văn phòng ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang - cho hay, về vấn đề này tỉnh đã giao cho các sở liên quan, đặc biệt là Sở Công Thương, giải quyết.
Trao đổi với chính quyền địa phương xã Thạnh Đông A, ông Nguyễn Quốc Thành cho hay: "Vấn đề này địa phương cũng đã nắm bắt và trong thời gian tới sẽ tổ chức kiểm tra và giám sát chặt chẽ và chính quyền sẽ đưa thương lái đến để thu mua trực tiếp với người nông dân, bên cạnh đó chính quyền cũng sẽ làm công tác tuyên truyền để cho dân được biết".
Hơn lúc nào hết chính quyền địa phương cần phải nắm bắt chặt chẽ tình hình, có những biện pháp kiên quyết với các đối tượng trên, có những giải pháp khả thi để người dân sau khi thu hoạch lúa không bị thua thiệt.
AGROINFO – Theo Cafef.vn
 

Tin khác