Giá mua điện của các NM thủy điện: Cần tính đến chi phí dịch vụ môi trường rừng

12/05/2011

Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hòa Bình và TP HCM là các địa phương thuộc diện thí điểm phải nộp phí môi trường rừng theo QĐ 380/QĐ-TTg ngày 10/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Khi thực hiện QĐ này, một số DN thủy điện cho rằng, trước đây khi EVN "chốt" giá mua điện, 2 bên chưa tính đến khoản này nên chi phí của DN đã bị đội lên.

Theo Sở Công thương Sơn La, năm 2009 các DN thủy điện trên địa bàn tỉnh đã nộp vào ngân sách trên 60 tỷ đồng. Đối với các DN trong lĩnh vực cấp nước hoặc du lịch, DN có thể tự quyết được giá sản phẩm và dịch vụ do mình cung cấp nên việc thu phí không gặp nhiều trở ngại. Nhưng với DN thủy điện, họ chưa chủ động được trong giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN nên khi có các chi phí phát sinh, DN đã gặp khó khăn.
Tại Sơn La, NM thủy điện Hòa Bình (EVN) và thủy điện Suối Sập 2 (Cty TNHH Xây dựng Trường Thành) năm 2010 phải nộp khoảng 63 tỷ đồng. Ông Trần Huy Thiệu, GĐ Cty TNHH Xây dựng Trường Thành cho biết, toàn bộ sản lượng điện do NM Suối Sập sản xuất ra chỉ được bán lên lưới điện quốc gia cho EVN. Theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Suối Sập 2 thì giá bán điện được tính theo QĐ 2014/QĐ-BCN ngày 13/06/2007 và được EVN thỏa thuận mức giá (chưa bao gồm thuế GTGT) là 595đ/kWh. Đã thế DN lại phải đóng bổ sung phí dịch vụ môi trường 20đ/kWh (từ 1/1/2009). Vì thế DN không có lợi nhuận.
Cũng theo ông Thiệu, tại thời điểm đàm phán giá bán điện thì chi phí nhân công, mức lương tối thiểu chỉ có 290.000đ/tháng. Đến thời điểm này lương tối thiểu đã tăng lên 830.000đ. Hơn nữa thuế tài nguyên mà DN phải nộp tại thời điểm đàm phán chỉ có 14đ/kWh. Còn hiện nay DN phải nộp lên tới 18,8đ/kWh do sự điều chỉnh của QĐ720 ngày 9/4/2009 của Bộ Tài chính. Cho tới nay, mặc dù giá bán điện của rất nhiều NM khác được bán cho EVN tới 800-900đ/kWh, song giá bán của thủy điện Suối Sập 2 vẫn giữ ở mức 595đ/kWh và vẫn chưa được điều chỉnh.
GĐ Sở Công thương Sơn La, Nguyễn Duy Nhượng: Sở đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và EVN xem xét bổ sung vào giá mua điện của các NM thủy điện vừa và nhỏ khoản chi phí dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời xem xét điều chỉnh giá mua điện từ các NM thủy điện vừa và nhỏ trên cơ sở tính đủ, tính đúng chi phí, phù hợp với chính sách về phí, thuế... và phù hợp với mặt bằng giá hiện nay để các NM hoạt động bền vững; có nguồn thu để nộp phí, thuế theo đúng quy định của Chính phủ. Đề nghị Bộ Tài chính quy định giá tính thuế tài nguyên nước cho sản xuất thủy điện phù hợp với giá bán thực tế tại các NM vừa và nhỏ.
“Vì chưa được điều chỉnh giá bán điện dẫn tới DN chưa cân đối được nguồn tài chính nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Sơn La. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục tiến hành thương thảo với EVN để điều chỉnh giá bán điện, tạo nguồn thu để nộp theo đúng quy định”-ông Thiệu nói.
Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương Sơn La, Đào Văn Dương cho biết các NM thủy điện dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập… nhưng thực tế chẳng có NM nào có thể có lãi để nộp thuế trước 10 năm kể từ ngày bắt đầu phát điện. Do vậy mỗi phát sinh chi phí, cho dù là rất nhỏ cũng sẽ khiến các DN gặp khó khăn.
Được biết, dự án thủy điện Suối Sập 2 với công suất 14,5 MW, bắt đầu đi vào vận hành tháng 7/2007 với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trên thực tế, dự án này không chỉ phát điện mà còn bị chi phối bởi một phần trách nhiệm điều tiết nước làm thủy lợi. “Xét về mặt kinh tế, khi các DN khó khăn không có lãi thì việc kinh doanh sẽ đình trệ. Trong khi điện cho sinh hoạt và sản xuất vẫn ngày càng thiếu thì việc xem xét tạo điều kiện cho phát triển thủy điện rất cần được tăng cường chú trọng”-ông Dương nói.
 
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/78116/Default.aspx


Tin khác