Tràn lan phân bón giả

16/05/2011

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón dỏm kém chất lượng lại tiếp tục tung hoành nhiều nơi. Vụ bắt giữ hàng chục tấn phân bón làm từ bột đá tại Q.12, TP.HCM đã thật sự gióng lên hồi chuông báo động cho tình trạng này.

 
Nhiều trường hợp nông dân mua nhằm hàng dỏm phải cắn răng chịu đựng vì không thể tìm được nơi sản xuất, thua kiện đại lý do thiếu cơ sở pháp lý.
Sản xuất phân bón giả tại một cơ sở ở Q.12, TP.HCM
 
Khó phân biệt thật giả
Ngày 10-5, đội quản lý thị trường 12B đã bắt giữ 14 tấn phân bón giả tại cơ sở sản xuất phân bón ở số nhà 343/1A đường T15, khu phố 4, P.An Phú Đông, Q.12. Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, quyền đội trưởng đội quản lý thị trường 12B, cho biết mặc dù nhận được thông tin có sự việc làm giả trên địa bàn nhưng việc thực hiện kiểm tra, bắt giữ gặp không ít khó khăn do hoạt động này diễn ra rất chóng vánh, địa điểm hoạt động thay đổi thường xuyên.
Theo ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, để sản xuất hàng trăm bao phân bón giả, “công nghệ” sản xuất chỉ cần bốn chiếc xẻng, hai cây cuốc, dụng cụ đóng bao và cân đồng hồ. Nguyên liệu chính được sử dụng làm phân bón là bột đá.
Chỉ cần rắc lên đó bột nhuộm màu sau đó trộn đều, bột đá được “phù phép” không khác gì phân kali chính hãng. Trước đây, các đối tượng làm giả phân kali dùng gạch, ngói nghiền nhỏ rồi trộn vào bột đá. Để sản phẩm giống thật hơn, họ trộn thêm một lượng muối nhằm tạo màu và kết dính. Tuy nhiên hiện nay chất nhuộm màu cho bột đá được sử dụng có khả năng kết dính rất tốt (khi dính vào quần áo không thể giặt sạch dù dùng chất tẩy) nên càng khó phân biệt phân bón thật và giả.
Sau khi dùng cuốc, xẻng hoàn thành công đoạn chế biến, sản phẩm được đóng gói bao bì với thông tin “sản xuất tại Nga”. Phân bón giả thành phẩm sau khi đóng bao được chuyển đi tập kết nhỏ lẻ tại nhiều nơi để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Theo ước tính, mỗi ngày hàng chục tấn phân bón giả được tuồn ra thị trường. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại các quận huyện vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Cũng làm giả vật tư nông nghiệp quy mô lớn, trong tháng 3-2011 một cơ sở sản xuất các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật vừa bị phát hiện và thu giữ số lượng lớn sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu các sản phẩm của công ty nước ngoài được bảo hộ tại VN.
Bột đá là nguyên liệu chính sản xuất phân bón giả
 
Theo cơ quan công an TP.HCM, chủ cơ sở là Nguyễn Văn Thế thuê nhà ở Q.Bình Tân làm cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ 23.550 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, trong đó có các nhãn hiệu như Atonik, Cruiser, Amistar-TOP, Clincher... Ngoài ra còn bốn can đầy hóa chất (mỗi can dung tích 20 lít) 300kg bao bì, vỏ chai các loại, chín bộ máy, dụng cụ sản xuất và có cả khuôn in lụa để in bao bì.
Lúng túng khi mua nhằm hàng dỏm
Nhắc đến phân bón giả, ông Nguyễn Vịnh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn còn bức xúc vì mua nhằm hơn 2 tạ phân bón giả trong vụ cà phê vừa rồi. Ông Vịnh cho biết dù đã mua phân NPK của một công ty có thương hiệu nhưng sau trận mưa đêm trước, sáng thăm vườn cà phê ông phát hiện một lớp đất mỏng vàng trên mặt. Xem kỹ thì lớp đất này giống như bột đá, bột gạch ngói. “Loại chất chiếm đến 30% tổng lượng phân bón ra, tôi nghĩ đó là chất phụ gia không thể tan được mà công ty làm phân bón cho thêm vào” - ông Vịnh nhận định.
Một chủ đại lý phân bón tại Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho hay phân bón giả thường gặp nhất vào đầu mùa mưa khi người dân tập trung bón
Có thể khởi kiện ra tòa
Theo đại diện một công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ, bà con nông dân có thể khởi kiện cơ sở sản xuất ra tòa nếu mua phải vật tư nông nghiệp giả và ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Nếu bà con biết đích xác cơ sở sản xuất ở đâu thì có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện. Trường hợp không biết đích xác nơi sản xuất, bà con nông dân có thể báo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn để họ tổng hợp, xác minh, bắt giữ cơ sở sản xuất hàng giả.
phân cho cây trồng. Một số công ty trộn những loại đất đá nghiền nát vào để bán cho người dân nên nhiều loại phân đã bón sau hai tháng vẫn còn nguyên chứ không tan, cây thì vàng úa lá.
Ông Bùi Văn Sỹ, thẩm phán TAND huyện Di Linh (Lâm Đồng), cho biết đến cuối tháng 4-2011, TAND huyện đã tiếp nhận 35 hồ sơ khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại về mua bán phân bón. Trong đó có tới 26 vụ do một đại lý phân bón khởi kiện nông dân. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trên là do nhiều người dân mua phải phân bón nghi kém chất lượng nên một số người không trả tiền cho đại lý. Tuy nhiên, một số vụ đã được xét xử và phần thua thuộc về nông dân. Ông Sỹ cho hay tất cả văn bản, chứng từ mà phía bị đơn (nông dân) cung cấp, kể cả bản phân tích mẫu phân bón kém chất lượng đều không đủ cơ sở pháp lý.
Theo ông Trần Văn Kiên - trưởng ban kinh tế Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, nếu ngay sau khi phát hiện phân bón có dấu hiệu kém chất lượng, người tiêu dùng thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu thực hiện kiểm định chất lượng thì bằng chứng này sẽ là hợp pháp, có cơ sở pháp lý.
AGROINFO – Theo Báo Tuổi trẻ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Kinh-te/437733/Tran-lan-phan-bon-gia.html


Tin khác