Giãn tiến độ nhập khẩu đường

16/05/2011

Sản lượng trong nước tăng, giá bán đường đang có xu hướng hạ do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ… những yếu tố trên đã khiến Bộ Công Thương phải yêu cầu doanh nghiệp được cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường trong năm 2011 giãn tiến độ nhập đối với mặt hàng này.

Tại buổi họp báo về cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011 vào ngày 13/5 vừa qua, bà Lương Ánh Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, theo cam kết gia nhập WTO, đường không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu mà chỉ là một trong những nông sản được quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Hàng năm việc xác định, công bố số lượng và nguyên tắc điều hành nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện.

Vào cuối năm 2010, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do thời tiết diễn biến không thuận lợi, sản lượng đường vụ 2010 - 2011 sẽ tăng không nhiều so với vụ trước, dự báo chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn (lượng đường niên vụ 2009 - 2010 đạt xấp xỉ 900.000 tấn). Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng năm của thị trường nội địa vào khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn và dự báo nhu cầu năm 2011 sẽ tăng cao hơn do một số ngành công nghiệp thực phẩm như sữa, nước giải khát… đã đầu tư mở rộng, tăng công suất khá mạnh.

Trên cơ sở này, đầu tháng 1/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 45/2010/TT-BCT phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 150.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất; 50.000 tấn đường thô cho một số nhà máy đường để tinh luyện và 50.000 tấn đường tinh luyện cho một số thương nhân kinh doanh thương mại để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Thực tế, so với năm 2010, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đã giảm 50.000 tấn. 

Tuy nhiên, theo đánh giá chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ sản xuất mía đường 2010- 2011 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2011, sản lượng dự kiến sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn cao hơn so với dự báo hồi đầu năm khoảng 100.000 tấn.

Từ đầu năm đến hết ngày 15/4, tổng lượng đường các nhà máy đã tiêu thụ là 468.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 80.000 tấn, nhưng lượng đường tồn kho của các nhà máy đến thời điểm trung tuần tháng 4 vẫn là 525.000 tấn, cao hơn cùng kỳ 142.000 tấn.

Trước thực trạng trên, để tiêu thụ sản phẩm, các nhà máy buộc phải hạ giá bán từ 500 - 1.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Hiện giá bán buôn đường RS đang ở mức 17.000- 18.500 đồng/kg, đường trắng RE khoảng 18.000- 20.000 đồng/kg, tuỳ theo từng khu vực.

Nhưng do vụ thu hoạch mía đường tại Thái Lan năm nay cũng thắng lớn khiến nguồn cung của nước này tăng mạnh. Công tác chống buôn lậu đường của lực lượng chức năng trong thời gian qua lại không hiệu quả, khiến lượng đường lậu lớn đã tràn vào Việt Nam. 

“Điều này càng khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy đường thêm khó khăn. Không bán được sản phẩm, chi phí cho lãi suất tiền vay ngân hàng để giữ lượng đường tồn kho quá lớn đang gây sức ép không nhỏ cho các nhà sản xuất”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường nhìn nhận.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cả những người trồng mía, Hiệp hội Mía đường đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng xem xét phương án hỗ trợ các nhà máy đường như giãn thời gian thực hiện đến tháng 7 đối với số lượng quota nhập khẩu đường đã cấp nhưng chưa ký hợp đồng và mở LC. 

Số liệu từ Vụ Xuất nhập khẩu cho thấy, bốn tháng đầu năm, tổng lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là khoảng 53.000 tấn, bằng 79% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì ước tính lượng đường sản xuất đến cuối vụ là khoảng 80.000 tấn, cộng với lượng tồn kho 525.000 tấn, cùng nguồn đường nhập khẩu đến hết tháng 7 là khoảng 70.000 tấn. Như vậy, lượng đường này sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường đến tháng 9, nếu không có gì biến động.

Từ các số liệu trên, Bộ Công Thương yêu cầu, các nhà máy đường đã được cấp phép nhập khẩu đường thô thời hạn thực hiện đến 30/6/2011, tạm dừng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp đối với các hợp đồng đã ký nhưng chưa thanh toán mà không phải đền bù và không ký thêm các hợp đồng nhập khẩu mới.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chưa ký tiếp các hợp đồng mới, giãn tiến độ nhập khẩu đối với các hợp đồng đã ký đến hết tháng 7/2011. Các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất tập trung sử dụng đường trong nước và cân nhắc tiến độ nhập khẩu phù hợp.

Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối cho rằng ngoài việc giãn tiến độ nhập khẩu đường vẫn cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng đối với các nhà sản xuất để có thể tạm trữ đường cũng như trả tiền mua mía nguyên liệu cho nông dân để người dân có thể yên tâm tiếp tục đầu tư vào vụ mới. 
AGROINFO – Theo VnEconomy

Nguồn: http://vneconomy.vn/20110514120811841P0C10/gian-tien-do-nhap-khau-duong.htm


Tin khác