Lai Châu: Chương trình trồng rừng đổ nợ

17/05/2011

Với phương châm “dân góp đất, DN góp vốn”, năm 2010 tỉnh Lai Châu trồng được trên 6.000 ha rừng phòng hộ và sản xuất. Tuy nhiên, hiện các DN tham gia trồng rừng đang nợ người dân tỉnh biên giới khó khăn này số tiền hàng chục tỉ đồng mà chưa biết trông vào đâu để trả, khiến dự án có nguy cơ đứt gánh giữa đường.

Cây lớn quá đầu, tiền đâu chưa thấy
Ông Nguyễn Văn Cận - Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thèn Sin, huyện Tam Đường cho biết: Theo chủ trương phát triển kinh tế rừng tỉnh Lai Châu, năm 2010 người dân Thèn Sin hợp đồng với Cty Tây Bắc Sơn trồng 167 ha keo tai tượng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã quá hợp đồng trả tiền, cây cũng được nghiệm thu nhưng phía Tây Bắc Sơn mới chỉ thanh toán được 60 triệu đồng cho khu vực Sin Câu 3 triệu/ha (20 ha), khu vực Thèn Sin 1, Thèn Sin 2, Na Đông... 1 triệu/ha (tương đương 147 triệu/147 ha). Trong khi đó, cam kết giữa DN với người dân Thèn Sin ghi rõ: năm đầu triển khai, người dân góp 1 ha đất sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón cùng 5 triệu đồng và 200 kg gạo. Năm thứ 2 đến năm thứ 4, tiếp tục được nhận 3 triệu đồng và 200 kg gạo công chăm sóc mỗi năm. Như vậy, hiện DN đang nợ người dân xã Thèn Sin gần 1 tỉ đồng tiền công trồng rừng.
Dẫn chúng tôi thăm khu rừng keo lai xanh tốt trồng cuối năm 2009, ông La Văn Kho ở bản Na Đông, xã Thèn Sin héo hon ngậm ngùi: “Khi nghe xã thông báo có chủ trương trồng rừng kinh tế, tôi bàn vợ con đem góp với DN 4 ha đất để trồng rừng. Giờ cây lớn quá đầu người rồi mà gia đình tôi cùng các hộ khác trong bản vẫn chưa được nhận tiền, gạo hỗ trợ của DN. Có ít đất nương chúng tôi đem trồng rừng rồi mà trong nhà chỉ còn vài bao thóc thôi, sắp tới không có tiền chắc chúng tôi đói mất.” Không chỉ gia đình ông Kho, rất nhiều gia đình khác cũng đang lâm cảnh “đi mắc núi trở lại mắc sông” do liên kết trồng rừng. Một số người dân bức xúc hậm hực, nếu không trả tiền họ sẽ chặt cây đi để trồng ngô, trồng sắn cho chắc ăn. Nhưng hiện cây chưa đến tuổi thu hoạch nếu có chặt bây giờ chắc cũng chỉ có thể làm... củi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Khắc Phượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường xác nhận, các DN trồng rừng đang nợ người dân trên địa bàn huyện gần 10 tỷ đồng tiền công trồng và chăm sóc rừng. Ông Phượng bảo có biết các DN hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn, người dân dù rất thông cảm cho DN nhưng bà con chẳng biết lấy gì để duy trì cuộc sống trước mắt ngoài tiền hỗ trợ khi phần lớn nương rẫy đã dành cho trồng rừng. Theo ông Phượng, tình hình nếu không sớm được khắc phục, kế hoạch trồng mới 1.300 ha rừng năm 2011 của huyện Tam Đường chắc chắn sẽ không thể hoàn thành, thậm chí gây mất lòng tin sau này.
Khốn đốn vì đói vốn
Nguyên nhân khiến các DN trồng rừng tại Lai Châu chậm chi trả tiền cho người dân do không tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ hay bởi năng lực tài chính của các DN quá yếu? Về câu hỏi này, ông Trương Sỹ Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Cty CP Minh Sơn, một trong những đơn vị trồng rừng tại Lai Châu phân bua: Trong hai năm 2009 - 2010, Cty Minh Sơn trồng được 2.350 ha rừng trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Lai Châu. Do gần 100 tỷ đồng vốn dồn hết vào xây dựng nhà máy, lại gặp lúc Chính phủ thắt chặt tài chính kiếm chế lạm phát nên Cty khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dành cho trồng rừng. Trong hai năm 2009 – 2010, Cty Minh Sơn mới nhận được 50% tiền hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước là 700.000 - 1 triệu đồng/ha (1,5 triệu đồng/ha với xã không thuộc diện 30a và 2 triệu đồng/ha với xã 30a).Trong khi đó, 4 năm hợp đồng trồng rừng với người dân, phía Cty Minh Sơn phải trả tới 35 triệu đồng/ha nên số tiền hỗ trợ trên chỉ như muối bỏ biển.
Ông Tuấn khẳng định, từ năm 2009 đến nay, Cty chưa vay được một nghìn nào từ các ngân hàng dành cho việc trồng rừng theo Nghị định 41 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì “đếm cua trong hang” không lường trước khó khăn khiến Cty Minh Sơn và các DN trồng rừng khác tại Lai Châu lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay. “Chúng tôi thừa nhận việc chậm chi trả tiền cho bà con phía Cty đã vi phạm hợp đồng kinh tế. Nhưng tôi thiết tha mong bà con chia sẻ trong lúc khó khăn như hiện nay và đề nghị phía ngân hàng nhanh chóng xem xét hồ sơ thủ tục vay vốn để các DN trồng rừng chúng tôi thanh toán dứt điểm cho người dân càng sớm càng tốt”- ông Tuấn bộc bạch.
Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thèn Sin, Nguyễn Văn Cận lo lắng cho biết, vừa qua xã tuyên truyền vận động trồng rừng nhưng hầu hết bà con không nhận nữa, họ bảo phải trả hết tiền mới làm tiếp, không thì thôi. Trước tình hình cấp bách vượt xa tầm kiểm soát của các DN, tỉnh Lai Châu cần nhanh chóng có giải pháp tình thế, nếu không, hàng nghìn ha rừng không biết có tiếp tục được duy trì hay không, đó là chưa nói đến sự đổ bể mục tiêu chương trình trồng rừng sắp tới.
Về phía tỉnh Lai Châu, ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Phát triển kinh tế rừng theo mô hình người dân và DN cùng làm là hướng đi đúng đắn của tỉnh. Lai Châu là tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình, kinh tế, con người rất khó khăn. Việc huy động được DN tới đầu tư trồng rừng vừa làm giàu cho dân, vừa đem lợi ích cho DN là mong muốn bao lâu nay. Dù mới triển khai được hai năm song dự án thu hút tới 16 đơn vị tham gia, năm 2010 trồng được trên 6.000 ha, năm 2011 dự kiến trồng 4.800 ha. Khi hoàn thành sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại đây có cuộc sống sung túc nhờ nguồn thu nhập ổn định, lâu dài từ rừng.
Nhưng theo ông Quảng, cái khó lớn nhất trong triển khai trồng mới, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng đã trồng tại Lai Châu hiện nay là vốn. Kế hoạch trồng rừng năm 2011 tỉnh Lai Châu đáng ra phải nhận được 150 tỉ nhưng hiện nay mới chỉ nhận được 10 tỉ hỗ trợ từ TƯ. Bên cạnh đó, DN tham gia trồng rừng đang vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. “Các đơn vị tham gia trồng rừng tại Lai Châu đều mới, cơ chế mới, lĩnh vực trồng rừng cũng rất mới mẻ nên việc thiếu kinh nghiệm, không lường trước được khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Ngay trong lúc này, người dân phải hết sức thông cảm với DN chứ không nên quay lưng lại với họ. DN họ vẫn hứa sẽ trả hết tiền cho người dân chứ không phải họ quỵt. Mặt khác, nếu DN không thể trả được tiền thì rừng đó vẫn là của dân nên bà con không nên quá lo lắng”- ông Quảng khuyến cáo.
Thực tế cho thấy, người dân cũng rất muốn thông cảm với DN, nhưng bây giờ, khi nương rẫy đã trở thành rừng, họ không thể tìm đâu ra cái ăn nếu không có nguồn thu từ rừng. Đây cũng là vấn đề bức bách chưa có lời giải ở Lai Châu hiện nay.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/78328/Default.aspx


Tin khác