Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ chính là cơ sở pháp lý để Hội NDVN tham gia các hoạt động kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường nói.
Ngày 10.5.2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 673/QĐ-TTg "Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020". Báo NTNN phỏng vấn Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường xung quanh việc triển khai Quyết định này.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cho biết, Quyết định (QĐ) 673/QĐ-TTg có 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất, khẳng định những việc Hội NDVN chủ động thực hiện, đó là: Đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (TTDNHTND) thuộc Hội ND các tỉnh, thành phố và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo cho việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống TTDNHTND và bổ sung tăng quy mô Quỹ HTND các cấp.
|
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (trái) thăm mô hình trồng cà phê của hội viên, ND xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
|
Thứ hai, chỉ rõ những việc một số bộ, ngành Chính phủ phối hợp với Hội ND trong thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT). Trong việc phối hợp, QĐ 673 chỉ rõ, Hội NDVN làm những việc gì, trách nhiệm của các bộ, ngành như thế nào, việc bố trí kinh phí ra sao…
Thứ ba, trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện QĐ 673.
“Trước đây, khi chưa có cơ chế, chính sách trong hoạt động phối hợp, Hội ND phải tranh thủ, thương lượng, phụ thuộc vào sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành. Với QĐ 673, việc phối hợp với Hội là trách nhiệm của các bộ, ngành.” Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường
|
Thưa Chủ tịch, với QĐ 673, Chính phủ đã cụ thể hoá việc thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020"?
- Có thể khẳng định, trong phạm vi thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về NN, ND, NT, Ban Bí thư T.Ư Đảng có Kết luận số 61, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 673, đây là sự quan tâm cụ thể của Đảng, Chính phủ đối với giai cấp NDVN và tổ chức Hội NDVN.
Thực hiện QĐ 673/QĐ-TTg, hoạt động phối hợp giữa Hội NDVN với các bộ, ngành, địa phương sẽ đi vào thực chất, tránh tình trạng Hội đi "xin việc"?
- Là một đoàn thể chính trị xã hội, Hội NDVN không phải là cơ quan quản lý nhà nước, cũng không phải là tổ chức kinh tế, nên Hội NDVN tham gia hoạt động liên quan đến kinh tế phải có cơ chế, chính sách, tức là phải có hành lang pháp lý. QĐ 673 chính là cơ sở pháp lý để Hội NDVN tham gia các hoạt động kinh tế liên quan đến NN, ND, NT. Trước đây, khi chưa có cơ chế, chính sách trong hoạt động phối hợp, Hội ND phải tranh thủ, thương lượng, phụ thuộc vào sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành. Với QĐ 673, việc phối hợp với Hội là trách nhiệm của các bộ, ngành.
Thưa Chủ tịch, T.Ư Hội NDVN sẽ cụ thể hoá việc thực hiện QĐ 673 thế nào?
- Để đưa Kết luận 61 của Ban Bí thư, QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống còn một loạt vấn đề cần phải được cụ thể hoá. T.Ư Hội NDVN đang xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư trình Ban Chỉ đạo thông qua; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ xây dựng các TTDNHTND ở các tỉnh, thành phố; rà soát, tu chỉnh, bổ sung Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ HTND để đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xúc tiến làm việc với các bộ, ngành thống nhất nội dung công việc, cách thức bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình phối hợp…
Thực hiện QĐ 673/QĐ-TTg, Quỹ HTND sẽ được bổ sung nguồn vốn đáng kể, hoạt động của quỹ sẽ đổi mới như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Trước đây, quy mô Quỹ HTND nhỏ, chủ yếu là hỗ trợ ND xóa đói, giảm nghèo. Khi quy mô tăng lên, Quỹ sẽ tham gia hỗ trợ ND xây dựng các mô hình sản xuất lớn theo hướng hàng hoá, hình thành và phát triển các trang trại, gia trại. Thông qua các mô hình trang trại, gia trại này, Hội tuyên truyền, nhân rộng và vận động, tập hợp ND. Khi đủ điều kiện Quỹ sẽ hỗ trợ đầu tư theo nhóm hộ, ưu tiên các hình thức liên kết sản xuất hàng hoá hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới…
Còn hoạt động của các cơ sở dạy nghề của Hội thế nào, thưa Chủ tịch?
- Để phù hợp với địa phương, gắn với đối tượng học nghề đặc thù là ND, tại các tỉnh, thành phố đã, đang và tiếp tục hình thành các TTDNHTND thuộc Hội ND. Đối tượng dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề của Hội chủ yếu là lao động ND trung, cao tuổi. Đặc điểm của đối tượng này không phụ thuộc vào tuổi tác mà theo sức khỏe; không phụ thuộc vào giờ giấc làm việc mà phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ; việc làm gắn liền với nơi sinh sống tại làng, xóm… Theo đó, các cơ sở dạy nghề của Hội sẽ tổ chức dạy nghề cho ND theo hình thức ngắn hạn, tại chỗ theo cách thức cầm tay chỉ việc, lấy ND dạy ND, lý thuyết gắn liền với thực hành. TTDNHTND thuộc Hội ND các tỉnh, thành phố sẽ đem thầy, công cụ, giáo trình xuống mở lớp dạy nghề tại cơ sở. ND sau học nghề sẽ mạnh dạn, tự tin hơn trong sản xuất.
Ở T.Ư Hội đã thành lập trường trung cấp nghề. Trường vừa trực tiếp dạy nghề cho ND, đồng thời là nơi đúc rút kinh nghiệm thực tế, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động dạy nghề nói chung của T.Ư Hội NDVN.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngay nay