Hướng tới giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp

26/05/2011

Ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng, phát triển chủ yếu trên bề rộng và điều dễ nhận thấy nhất chính là tăng sản lượng, tăng diện tích. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam phải có cách tiếp cận mới trong sản xuất, tăng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như : lúa gạo, cà phê, chè , cao su … Xuất khẩu nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, một số sản phẩm nông nghiệp chiếm được vị thế cao trên thị trường quốc tế, nhưng mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng, phát triển chủ yếu trên bề rộng và điều dễ nhận thấy nhất chính là tăng sản lượng, tăng diện tích. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam phải có cách tiếp cận mới trong sản xuất, tăng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.
* Xác định công đoạn tạo giá trị gia tăng
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng, Cục chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối chia sẻ: Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp không chỉ tăng ở thị trường quốc tế mà tăng lên ngay ở thị trường nội địa. Nếu chỉ cạnh tranh về giá cả, các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của nước ta sẽ rất khó khăn, đặc biệt là đối với các thị trường khó tính. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải xác định các mặt hàng chủ lực và nâng cao giá trị gia tăng trong từng ngành hàng và từng công đoạn của ngành hàng.
TS. Vũ Trọng Bình – Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Cần phải tạo ra giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, từng công đoạn của mỗi ngành hàng. Tuy mỗi ngành hàng đều có những nét đặc thù riêng nhưng điểm yếu của nước ta là chi phí giao dịch các ngành hàng cao, do quy mô giao dịch nhỏ, phân tán… Ví dụ, ở nước ngoài một cú điện thoại người ta có thể mua 1.000 con lợn thì ở Việt Nam chi phí bỏ ra cho việc thu gom để có 1.000 con lợn là quá lớn. Bên cạnh đó, mỗi ngành hàng có thể áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, rủi ro, điều này đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận, tăng giá trị gia tăng. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu, bán sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, hoặc giảm khâu trung gian, đưa chế biến về gần nông dân, gần khu quy hoạch, thì giá trị gia tăng trong chuỗi càng cao. Về vấn đề tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Trước mắt, chúng ta phải tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, có vị trí trên thị trường quốc tế. Thông qua mặt hàng cụ thể, sản phẩm cụ thể, từng công đoạn cụ thể, chúng ta phải tìm giải pháp hạ giá thành, tăng giá bán để tăng giá trị từng công đoạn trong một chuỗi sản xuất, từ đó tăng giá trị gia tăng trong toàn chuỗi. Ngành nông nghiệp hiện nay, mới chỉ thiên về chuỗi đầu hay công đoạn đầu là công đoạn sản xuất phần thô và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thô mà chưa chú trọng đến các công đoạn sau, công đoạn được đánh giá là tạo giá trị gia tăng lớn. Đây cũng là một hướng để ngành nông nghiệp tăng giá trị gia tăng, cũng như khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
* Giá trị gia tăng từ phế thải nông nghiệp
Theo TS. Lê Văn Bầm, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị gia tăng không chỉ nằm trong chuỗi sản xuất mà còn từ phế thải nông nghiệp. Xét trong cả quá trình sản xuất lúa, sản lượng lúa hàng năm của chúng ta khoảng 40 triệu tấn thì chúng ta cũng có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, lượng rơm rạ này chưa được khai thác có hiệu quả, ngoài việc sử dụng cho trâu, bò ăn, nhiều nơi nông dân mang đốt trên đồng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cũng như gây lãng phí của cải. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng lượng rơm rạ này, nếu 40 triệu tấn rơm rạ này được sử dụng chỉ với giá 50 đồng/kg thì chúng ta có khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta áp dụng công nghệ chế biến rơm rạ thành than, củi sử dụng làm chất đốt để đun nấu trong gia đình, thì vừa đỡ khói, đỡ chiếm diện tích; hoặc có thể sử dụng rơm rạ để chế biến thành nguyên liệu sử dụng trong nhà máy điện. Ngoài ra, chúng ta còn có khoảng 10 triệu tấn trấu, nếu sử dụng hiệu quả lượng trấu này sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng ngành sản xuất lúa gạo hiện nay.
Cũng theo TS. Lê Văn Bầm, không chỉ lúa gạo mà một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực cũng có thể tăng giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp sau chế biến như cao su, cà phê… Đối với ngành cà phê cũng vậy, cứ 5 tấn vỏ tươi thì được 1 tấn vỏ khô đối với cà phê chè, còn cà phê vối thì 4 tấn vỏ tươi được 1 tấn vỏ khô. Nếu lượng vỏ khô này được chế biến, sử dụng làm chất đốt, sẽ tạo giá trị gia tăng lớn cho ngành cà phê. Hoặc vỏ cà phê sử dụng công nghệ sinh học để tạo phân vi sinh cũng là một trong những hướng tạo giá trị gia tăng cao cho ngành.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, để tăng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp một cách hiệu quả, đối với từng ngành chúng ta phải nghiên cứu lại cả quá trình, từng khâu trong quá trình sản xuất của ngành hàng đó, xác định công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao ngay trong một sản phẩm, cũng như tìm ra khâu lãng phí mà chúng ta chưa làm để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, trong cấp độ ngành, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, thì chúng ta phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, ngành nông nghiệp nhiều về số lượng, nhưng giá trị thật sau khi trừ chi phí rất thấp, vì vậy cần xây dựng triển khai những giải pháp, hành động cụ thể để tăng giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, cũng như khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=461263


Tin khác