Hôm qua 24/5, tại Tiền Giang đã diễn ra Hội nghị phòng chống rầy nâu, VL-LXL các tỉnh phía Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức. Tại đây nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không khống chế dịch bệnh thành công, có thể sẽ mất mùa vụ HT sắp tới.
Gieo sạ đúng đỉnh rầy
Theo BCĐ Phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL các tỉnh phía Nam, tính đến nay diện tích nhiễm rầy nâu trên trà lúa HT là 12.376 ha (tăng 24.372 ha so với cùng kỳ). Mật số rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến từ 750 – 1.500 con/m2, có nơi lên tới 2.000-3.000 con/m2, phổ biến từ độ tuổi 5 đến trưởng thành. Các tỉnh có diện tích nhiễm rầy nhiều nhất là Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh…
Còn với diện tích lúa nhiễm VL- LXL vụ HT là 13.581,2 ha, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỉ lệ 1,11%/tổng diện tích gieo sạ. Trong đó, nhiễm nhẹ là 12.169,3 ha (tỉ lệ từ 2-10%), nhiễm trung bình 1.401,8 ha (10-20%); nhiễm nặng 10,1 ha (trên 20%). Phần lớn diện tích nhiễm bệnh trên lúa ở giai đọan làm đòng đến trổ, trong đó có 2.500 ha lúa nhiễm bệnh ở giai đọan chín đến thu hoạch trên trà lúa HT sớm ở tỉnh Long An.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tổng diện tích nhiễm rầy nâu trong vụ HT là 33.279 ha, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 36%. Đến thời điểm hiện nay, rầy nâu luôn duy trì ở mức nhiễm trên diện rộng nhưng mật số không cao. Thời điểm bị nhiễm cao nhất trong vụ là 4.124 ha, mật số phổ biến từ 1.500 – 2.000 con/m2; cá biệt có nơi lên tới 5.000 con/m2. Còn với bệnh VL-LXL, diện tích nhiễm 790 ha trên trà lúa làm đòng đến trổ, tỉ lệ từ 1-5% là 300 ha, tỉ lệ từ 5-10% là 400 ha, từ 10-15 là 90 ha.
Nguyên nhân bùng phát bệnh VL-LXL, chủ yếu do xuống giống xuân hè 2011 quá sớm trong tháng 2 (96.110 ha) và xuống liên tục trong tháng 3 (152.848 ha). Do vậy, tòan bộ diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi bị trùng khớp với rầy di trú ở mật độ cao vào cuối vụ, lên đến hàng triệu con/bày trong tháng 2 và hàng trăm ngàn con trong tháng 3/2011.
Theo ông Trương Văn Cho, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, một trong những nguyên nhân bùng phát mật độ rầy nâu là do đang thời điểm giá lúa tăng cao nên nông dân chủ quan xuống giống bất chấp thời vụ. Hơn nữa, việc phun xịt thuốc cũng không tuân theo khuyến cáo và không triệt để phun theo “4 đúng” như phun xịt không đúng cách, không đúng thời điểm rầy xuất hiện. Ngoài ra, do lúa lúc nào cũng có trên đồng ruộng nên không cắt được dứt các nguồn bệnh.
Theo bà Thủy, đại diện Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có diện tích lúa nhiễm VL- LXL lớn nhất hiện nay (gần 10.000 ha), mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch xuống giống theo khuyến cáo của Bộ và tuyên truyền cho nông dân thông qua hệ thống khuyến nông và đài phát thanh các huyện. Tuy nhiên, do năm nay đặc thù lũ thấp nên nông dân nhiều nơi đã xuống giống lúa đông xuân sớm. Khi thu hoạch xong lại gieo sạ ngay lúa xuân hè mà không cày phơi đất cách ly vì thế khoảng 3.500 ha lúa gieo trong thời điểm này bị nhiễm bệnh nặng.
Cũng theo bà Thủy, bệnh VL-LXL năm nay có biểu hiện không rõ ràng so với các vụ trước nên việc khuyến cáo và xử lý bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Cách vụ để "né" rầy
Theo báo cáo của Cục BVTV, nếu năm ngoái tháng 2/2010 người dân các tỉnh phía Nam mới chỉ xuống giống được khoảng 2.000 ha thì đến tuần cuối của tháng 2/2011 diện tích lúa gieo sạ đã lên tới 90.000 ha. Toàn bộ diện tích lúa khi gieo sạ đều dính vào đỉnh rầy di trú. Qua nghiên cứu, theo TS.Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, sở dĩ VN xuất khẩu được gạo trong những năm vừa qua là do chúng ta áp dụng tốt lịch gieo sạ “né” rầy. Thực tế, rầy nâu có trên đồng ruộng không chỉ là nguồn rầy tại chỗ mà phần lớn là do hướng gió đưa rầy di chuyển nhanh và lan rộng.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng:
Tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng lo, vì tốc độ truyền bệnh của rầy nâu rất nhanh, không khéo có thể mất vụ HT sắp tới. Để giải tỏa nỗi lo này cần thực hiện một số biện pháp cấp bách như: giám sát chặt chẽ vụ lúa HT, diện tích lúa HT nào bị nhiễm bệnh nặng thì hủy hoặc nhiễm 50% thì vận động bà con nông dân nhổ bỏ cấy dặm lại. Sắp xếp lại mùa vụ lúa ở ĐBSCL cho thật hợp lý để có thể “né” được rầy hiệu quả. Các địa phương cũng cần công bố lại lịch gieo sạ đồng loạt để nông dân biết áp dụng triệt để. Cần tiến tới xây dựng quy chế sản xuất cho đồng ruộng để bà con nông dân hiểu và thực hiện.
|
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Huân- Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đây là vụ dịch bệnh phát triển mạnh trở lại sau 13 vụ đã được khống chế tương đối tốt do đã kết hợp các biện pháp “né” rầy hiệu quả. Trong vụ đông xuân vừa qua, đáng ra sau khi thu hoạch bà con cần phải cày phơi đất, cách ly 20 ngày, nhưng nhiều nơi sau khi gặt xong lúa ĐX đã vội vàng cày dập và tranh thủ xuống giống vụ xuân hè nên dính vào đỉnh điểm của các đợt rầy di trú.
Cũng tại hội nghị, có ý kiến cho rằng, để “né” rầy triệt để thì nên cắt vụ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, không nên cắt vụ mà chỉ cần có một khoảng thời gian trống (ngưng vụ từ 10 -15 ngày) là có thể khống chế thành công và cắt được nguồn bệnh. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các biện pháp phòng chống của các địa phương chủ yếu là khoanh vùng theo dõi: Nếu mật số rầy cao trên 5.000 con/m2 thì áp dụng biện pháp hóa học, sử dụng các thuốc đặc trị để làm cho rầy chết nhanh và tránh phát tán. Sau thu hoạch phải làm đất kỹ, chôn vùi rơm rạ.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/78716/Default.aspx