Làm giàu trên đất vùng ven thành phố Hồ Chí Minh

25/05/2011

TP Hồ Chí Minh có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp, với gần 250 nghìn người dân sống bằng nghề nông. Nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nhiều hộ nông dân giàu lên từ mô hình kinh tế gia đình.

Giàu nhờ khéo tính toán làm ăn...
‘'Chăm chỉ, cần cù chưa đủ đâu nghen, muốn làm giàu nhà nông còn phải biết tính toán trong làm ăn mới được'’. Sau một hồi trao đổi về chuyện gieo trồng, ông Nguyễn Văn Khiết, nông dân ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh rút ra kết luận với chúng tôi như vậy.
Chuyện làm ăn của ông Khiết càng nghe càng ham, càng thấy nông dân ngày nay không chỉ nắm vững kỹ thuật canh tác, đặc tính sinh trưởng của từng loại cây, loại con mình trồng mà còn am hiểu thị trường, biết làm ra cái xã hội cần chứ không  còn  chỉ  biết bán ra những gì mình có. Gia đình ông Khiết có 1,4 ha ruộng, những năm trước chỉ đơn thuần cấy lúa. Mà đồng đất vùng này, mỗi năm hai vụ, gặp thời tiết thuận, năng suất cao lắm cũng chỉ trên dưới 8 tấn/ha. Nhà nông, ngoài cái ăn, cái mặc, những nhu cầu khác trong đời sống như học hành, chữa bệnh, rồi giỗ, Tết, cưới hỏi, ma chay... nếu chỉ trông vào hạt lúa, thì chật vật là  không tránh khỏi.
Chăm sóc rau an toàn trên đồng ruộng huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).
 
Nhận thấy làm lúa năng suất không cao, giá bán lại thấp, ông Khiết bàn với gia đình cắt một phần ruộng chuyển sang trồng cây khác. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ ông thấy, thành phố hàng triệu dân, ngoài gạo, nhu cầu rau xanh cho bữa ăn hằng ngày chắc chắn không ít. Vậy sao lại không trồng rau để bán? Nghĩ là làm, ông quyết định dành 2,5 công ruộng (2.500 m2) để trồng rau xanh. Buổi đầu cũng chật vật, cây trồng mới đòi hỏi kỹ thuật đã đành, tìm nơi tiêu thụ số lượng nhiều cũng không dễ. Thế nhưng những cái khó dần dần cũng vượt qua. Từ canh tác thông thường, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, ông Khiết chuyển sang trồng rau an toàn. Ðầu ra cũng ổn vì chất lượng sản phẩm bảo đảm, sản lượng lớn, nhiều đầu mối tìm tới tận nhà ký hợp đồng tiêu thụ. Qua vài vụ đầu ông rút ra kinh nghiệm, những tháng mưa lũ, nguồn cung từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về thành phố hạn chế, trồng, bán rau trong thời điểm này chi phí sản xuất không chỉ thấp mà giá bán lại tăng lên nhiều lần.
Thực tế nhiều vụ rau cho thấy, với 1.000 m2 (một công) rau an toàn cần đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng cho tất cả các khâu từ làm đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động..., sau 50 đến 60 ngày, một công vườn rau cho thu hoạch hai tấn; chỉ cần bán giá bình quân 6.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về vẫn còn ít nhất là mười triệu đồng. Trong sáu tháng mùa mưa, 2.500 m2 trồng rau cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Với mô hình kết hợp lúa, rau, kèm thêm nuôi cá, mỗi năm gia đình ông Khiết tích lũy hàng chục triệu đồng.
Nhờ chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Với phương châm xây dựng nền nông nghiệp phát triển gắn với đặc trưng của đô thị lớn, từ năm 2006, TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thành phố tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học; công tác khuyến nông, cung cấp giống cây, con mới cho nông dân. Bên cạnh đó, hộ nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi còn được hỗ trợ lãi suất vốn vay, được tài trợ 50% kinh phí mua sắm máy móc phục vụ sản xuất... Những chính sách trên thật sự là 'cú hích', tạo đà cho nông dân phát huy khả năng vốn có, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Về ấp 3, xã Tân Nhựt, nông dân Hoàng Kim Kim phấn khởi khoe: 'Cả xóm bây giờ khá lên rồi, không chật vật lo cái ăn từng bữa như ngày trước nữa'. Ðược vậy là nhờ ba, bốn năm nay, đê bao của các con rạch Bà Tỵ, rạch Lương Ngang được thành phố đầu tư nâng cấp, chấm dứt tình trạng ngập lụt, cho nên bà con trong ấp cải tạo những chân ruộng trũng, chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá. Theo ông Hoàng Kim Kim, so với lúa, nuôi cá cho thu nhập cao gấp mười lần. Bởi vậy ở ấp 3 hiện có hàng chục hộ nuôi cá. Hộ có diện tích mặt nước lớn phải kể đến bà Trần Kim Thành, có 2,5 ha; ông Trần Văn Vân có hai ha. Dưới một ha thì có các hộ: Nguyễn Thị Liên, Huỳnh Kim Ngân, Trần Văn Hảo... Gia đình ông Hoàng Kim Kim, trước đây chỉ có 0,6 ha ao nuôi. Khi chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế triển khai,được sự hỗ trợ kinh phí của thành phố, ông Kim mạnh dạn cải tạo thêm 0,9 ha ruộng trũng thành ao nuôi cá. Chỉ riêng vụ thu hoạch vừa rồi, 0,4 ha ao nuôi theo kỹ thuật mới đã cho thu hoạch gần mười tấn cá các loại, trừ hết chi phí vẫn còn có thu nhập gần 100 triệu đồng. Trong chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, từ năm 2007, Tân Nhựt được thành phố đầu tư hơn 96 tỷ đồng nạo vét kênh mương, xây cống đập, củng cố đê bao, mở rộng, nâng cấp đường giao thông... tạo điều kiện thuận lợi để bà con vận chuyển hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh đó, hơn 100 hộ nông dân được vay vốn với tổng dư nợ gần mười tỷ đồng; hàng trăm hộ nông dân khác được hỗ trợ lãi suất vốn vay... Ðến nay, xã thành lập bốn tổ hợp tác sản xuất trong các lĩnh vực rau an toàn, nuôi cá thịt, nuôi cá cảnh. Trong bốn năm,có 682 hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi với tổng diện tích canh tác 299,6 ha. Từ một xã nghèo trọng điểm của thành phố, đến cuối năm 2010, xã Tân Nhựt chỉ còn 753 hộ nghèo (trong tổng số 5.886 hộ) có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/năm.
So với các loại cây trồng khác, hoa, cây cảnh, nhất là hoa lan được nhiều nông dân chọn lựa đưa vào canh tác. Trồng hoa lan, thị trường tiêu thụ rộng, hiệu quả kinh tế rất cao nhưng đòi hỏi đầu tư lớn. Tuy nhiên, do được hỗ trợ lãi suất từ chính sách khuyến khích của thành phố nên nhiều hộ nông dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Tại vườn lan nhà mình, ông Nguyễn Văn Xuân, nông dân ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, cho biết, năm 2009, ông vay 800 triệu đồng của ngân hàng, cải tạo 3.500 m2 vườn, mua giống lan Monkara về trồng. Chỉ sau tám tháng, lan bắt đầu ra hoa. Ðến đầu năm 2011, mỗi tuần vườn lan của ông cho thu hoạch gần 1.000 cành, giá bán bình quân mỗi cành 6.000 đồng, mỗi năm vườn lan cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện nay chỉ riêng ấp Trung, xã Tân Thông Hội có hơn 30 hộ trồng lan, tính chung cả huyện số vườn lan lên đến hàng trăm.
Nông dân giàu lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, nền nông nghiệp đô thị phát triển bền vững đang từng ngày hiện hữu trên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/lam-giau-tren-t-vung-ven-thanh-ph-h-chi-minh-1.297674#sZFaAnb4uaDH


Tin khác