Cấp bách "tái canh" cây cà phê

30/05/2011

Các nhà khoa học nhận định, nếu không "tái canh" cà phê thì chỉ 5-10 năm nữa, ngành cà phê sẽ rơi vào thảm họa khó cứu vãn.

Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm nhiều đến các mặt giá cả, thị trường, hỗ trợ tạm trữ thu mua cà phê… Đó đều là những vấn đề thời sự bức xúc. Nhưng vấn đề cốt lõi, quyết định sống còn đến toàn ngành cà phê là "tái canh” cây cà phê lại ít được chú ý.
Trồng hạt và già cỗi
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cà phê robusta (cà phê vối) chiếm gần 93% diện tích cà phê cả nước và chủ yếu được trồng bằng hạt. Chỉ có 5-7% diện tích dòng cà phê vô tính có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận, tập trung ở Lâm Đồng và Đắk Lắk. Do đó, thời gian tới, cần tiến hành mở rộng diện tích cà phê arabica (cà phê chè) thay thế cà phê robusta, đẩy mạnh phát triển giống cà phê, nhân giống và chuyển giao nhanh các dòng cà phê vô tính đã được công nhận.
 
Cũng theo Cục trồng trọt, có đến 86.000ha, chiếm 17,3% diện tích cà phê trên 20 năm, đã già cỗi, cùng với 40.000ha cà phê dưới 20 tuổi đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quá thấp.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng vườn cà phê già cỗi là: trồng trên đất không phù hợp, giống cây trồng và đầu tư không đảm bảo quy trình, quy định. Thực tế, có đến 50% số hộ bón phân NPK cao hơn so với quy trình khuyến cáo từ 10-23%, tưới nước cao hơn mức khuyến cáo 600 - 700m3/ha/năm, sử dụng thuốc trừ sâu cũng cao hơn, đạt năng suất bình quân gần 2 tấn/ha rất cao so với năng suất bình quân của thế giới, thậm chí nhiều nơi còn đạt 3-5 tấn/ha.
Tình trạng thâm canh vắt kiệt đất đã làm cho vườn cà phê xuống cấp nhanh, sâu bệnh gia tăng, chi phí và giá thành tăng vọt, mức độ rủi ro cũng lớn hơn khi mất mùa hoặc giá cà phê xuống, đồng thời nguồn nước tưới và tầng đất trồng cà phê cũng bị suy thoái nhanh chóng. Các nhà khoa học nhận định, nếu không "tái canh" cà phê thì chỉ 5-10 năm nữa, ngành cà phê sẽ rơi vào thảm họa khó cứu vãn!
Cần có chương trình "tái canh" đồng bộ
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn/năm, đạt kim ngạch 2 tỷ USD/năm. Cho nên, "tái canh" cà phê một cách hiệu quả để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, là biện pháp cần thiết, cần làm đồng bộ.
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), diện tích "tái canh" cà phê trên cả nước trong 10 năm tới sẽ khoảng 137.000ha, chiếm khoảng 27,4% tổng diện tích cà phê. Tuy nhiên, muốn đảm bảo được hiệu quả "tái canh" mà không bị giảm sút đột ngột sản lượng, cần phải có chương trình "tái canh" chủ động, đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, nguồn lực đầu tư. Theo kinh nghiệm của Colombia, Ấn Độ, mỗi ha trồng lại không quá 20% diện tích vườn cây cần thay thế.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cà phê cao cấp hàng đầu của Việt Nam nhận định, có một số mô hình tái canh cà phê thành công ở Tây Nguyên, như công ty Eapốc (Đắk Lắk) tái canh 100ha, thực hiện thu gom rễ, áp dụng biện pháp luân canh 3 năm, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất 2,5-3 tấn nhân/ha. Nông trường cà phê Thuận An (Đắk Nông) tái canh 30ha, luân canh 4 năm với ngô, đậu, đạt năng suất hơn 2 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, những mô hình "tái canh" cà phê thành công như thế không nhiều và chưa được nhân rộng. Trong khi đó, nhiều công ty như Chư Quynh, Buôn Hồ, Krông Ana, Thắng Lợi, Phước An… và các hộ gia đình thực hiện "tái canh" chỉ đạt dưới 1 tấn nhân/ha; chỉ 2-3 năm cà phê "tái canh" trên các diện tích trồng lại tiếp tục bị vàng lá.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, để nâng cao chất lượng cà phê, tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, Vicofa đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam (trong đó có chương trình "tái canh" cà phê), đồng thời kiến nghị các ngành, các địa phương chuyển những vùng đất có độ cao phù hợp sang trồng cà phê arabica để có giá trị gấp 2 - 2,5 lần cà phê robusta. Vicofa cũng đề nghị doanh nghiệp thu mua cà phê chín với giá cao, nhằm thay đổi thói quen hái xanh của nông dân, tránh giảm giá trị cà phê.
Các nhà khoa học khuyến cáo, việc trồng mới sẽ kéo dài ít nhất 3 năm (1 năm trồng mới, 2 năm chăm sóc), cho nên cần "tái canh" theo kiểu cuốn chiếu và có biện pháp giúp bà con trong 3 năm đó.
Hiện nay, Viện Khoa học - kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hoàn thiện qui trình ghép thay đổi giống cà phê, góp phần nhân nhanh các giống cà phê chọn lọc mới như TR4, TR5, TS2, TS4… Viện có khả năng cung cấp 4 triệu chồi ghép/năm, đảm bảo chất lượng cây giống cho các vườn ươm, tiết kiệm được chi phí phòng bệnh, nâng cao phẩm cấp giống./.
AGROINFO – Theo VOVNEWS

Nguồn:http://vov.vn/Home/Cap-bach-tai-canh-cay-ca-phe/20115/176196.vov


Tin khác