Hiệu quả từ việc miễn phí thủy lợi
Ngày 14/11/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi quy định về miễn thuỷ lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối. Chính sách thuỷ lợi phí mới thực sự là một bước ngoặt trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
Sau hơn 2 năm triển, chính sách này đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người dân trong sản xuất. Diện tích tưới, tiêu năng suất lúa được nâng lên. Tạo ra nguồn kinh phí ổn định cho các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi chủ động trong hoạt động phục vụ sản xuất, dân sinh, duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi từng bước được sắp xếp, củng cố và kiện toàn; đời sống cán bộ công nhân quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ngày càng ổn định và nâng cao.
Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí mới đây, ông Vũ Văn Thặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người dân trong sản xuất. Hiệu quả rõ nét của chính sách này là tăng diện tích tưới chủ động, góp phần tăng năng suất lúa. Không còn tình trạng giấu diện tích trong hợp đồng tưới tiêu giữa các tổ quản lý, khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức của người dân….
Theo kết quả điều tra đánh giá, việc miễn thủy lợi phí ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp nông dân giảm được bình quân 3-10% tổng chi phí sản xuất. Nhờ hỗ trợ từ việc thực hiện miễn thủy lợi phí, nhiều đơn vị thủy nông đã có kinh phí để duy tu, sửa chữa kịp thời những công trình bị hư hỏng, xuống cấp...
Riêng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, theo thống kê từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ thủy lợi phí là 9,6 tỷ động cho 5.671 hộ nông dân với diện tích là 3.817 ha. Dự kiến, vụ đông xuân 2011-2012, tỉnh sẽ có trên 6.200 ha nằm trong diện được hỗ trợ với mức chi khoảng 4 tỷ đồng....
Có thể nói việc miễn thủy lợi phí đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Vẫn còn nhiều bất cập
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song việc triển khai chính sách này vẫn còn một số bất cập như: Phát huy hiệu quả của các công trình thuỷ lợi chưa cao, nhiều hệ thống thuỷ lợi bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước do hệ thống thuỷ lợi cấp nhiều nơi không đảm bảo, có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, sử dụng nước còn nhiều lãng phí, tiêu hao điện năng lớn; mức hỗ trợ thuỷ lợi phí cũng còn nhiều bất cập. Việc xác định một số chỉ tiêu chuyên môn theo quy định còn rất khó áp dụng đối với hệ thống công trình thuỷ lợi nhỏ. Việc sử dụng thuỷ lợi phí còn bị gò ép do các chính sách hiện hành ...
Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay từ khi miễn thủy lợi phí thì hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc sử dụng kinh phí cho sửa chữa trạm bơm, kênh mương lại được quy định quá chặt, nên chưa khuyến khích đầu tư lâu dài.
Thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn lấy mức quy định của Nghị định 143 ngày 28-3-2003 của Chính phủ làm cơ sở tính toán, nhân với hệ số trượt giá (2,31) để xác định mức thủy lợi phí là không phù hợp thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát. Với mức này, các doanh nghiệp thủy lợi không bảo đảm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng công trình. Bởi những bật cập này đã dẫn đến công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bão dưỡng thường xuyên như Trạm bơm My Động (Hải Dương); hệ thống đóng mở các cống vùng triều ở Thái Bình, Nam Định; cống ngăn mặn ở ĐBSCL...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, tuy nhiên là do các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác thủy lợi, chủ yếu là quan tâm về xây dựng, chứ ít quan tâm tới công tác quản lý; còn thiếu chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ, tu sửa công trình thủy lợi; đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ...
Trước thực tế này, để tháo gỡ những bất cập còn phát sinh trong qua trình thực hiện, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp quan trọng, trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, sớm trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 115, nhằm khắc phục những tồn tại trong việc thực thi chính sách miễn thuỷ lợi phí hiện nay. Cùng với đó, là đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm điện, nước, nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi. Quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, xây dựng kế hoạch điều hành hệ thống thủy lợi phù hợp với bố trí sản xuất; điều hòa phân phối nước tiết kiệm, xây dựng kế hoạch bơm chi tiết cho các vùng phụ trách, tránh bơm nhiều lần, nhiều cấp. Kiểm tra độ mặn tại bể hút các trạm bơm và vận hành tối đa số máy hiện có khi độ mặn cho phép vận hành...
Được biết, dự toán ngân sách nhà nước cấp cho thủy lợi phí trong năm 2011 là 3.100 tỷ đồng. Chính phủ đã chỉ đạo, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ giao ổn định ngân sách thủy lợi phí hàng năm ở mức trên 3.000 tỷ đồng theo đúng luật ngân sách nhà nước...
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản