Thái Bình phát triển vùng nuôi ngao theo hướng hàng hoá

30/05/2011

Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng có 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo ra một vùng bãi triều rộng khoảng 25.000 ha rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, trong đó có nuôi ngao.

Nhiều năm qua, nông dân vùng ven biển các huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã đầu tư nuôi ngao cho giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, so với tiềm năng diện tích hiện có chủ yếu vẫn là nuôi tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch; nhiều hộ nuôi với mật độ dày, khi gặp thời tiết bất lợi xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng bãi triều ven biển...Trước thực trạng này, tỉnh tiến hành quy hoạch, phát triển các vùng nuôi ngao trong tỉnh theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Theo kết quả điều tra khảo sát của ngành nông nghiệp, 12 xã ở 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy có diện tích bãi triều có khả năng phát triển nuôi ngao. Các diện tích này sẽ được đấu giá cho thuê lại, bảo đảm quy mô diện tích các vây nuôi nhỏ nhất không dưới 0,5 ha, lớn nhất không quá 2 ha... Để bảo đảm đủ giống cho phát triển nuôi ngao, tỉnh cũng sẽ quản lý vùng sinh sản ngao giống tự nhiên ngoài bãi ở xã Đông Minh, Nam Thịnh, ước đạt khoảng 1.200 - 1.500 tấn/năm. Đồng thời từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng mới 5 trại sản xuất giống thủy sản nước lợ, trước mắt trong năm nay sẽ cải tạo, nâng cấp 2 cơ sở sản xuất ngao giống hiện có và xây dựng hoàn thiện trại sản xuất giống nước lợ tại xã Nam Thịnh.
Song song với việc mở rộng diện tích nuôi ngao thương phẩm và ương giống, trong đề án phát triển nuôi ngao ở ven biển Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh còn đề cập đến quy trình nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng việc tập huấn cho hộ dân nắm vững kỹ thuật, hiểu biết về điều kiện tự nhiên, mức độ tác động của các yếu tố môi trường đến quá trình nuôi ngao. Từ đó xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống thả sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Về thị trường tiêu thụ, tỉnh tiếp tục duy trì và tiến đến việc xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước EU; về lâu dài khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu ngao tại tỉnh.

Theo các hộ nuôi ngao ở Tiền Hải, trước năm 1989, trên các bãi triều ven biển ở các xã Đông Minh, Nam Thịnh lượng ngao tự nhiên khá lớn, bà con khắp các vùng lân cận thường xuyên đổ về cào bắt, do đó lượng ngao tự nhiên giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường lại có nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày một gia tăng, không chỉ tiêu thụ tại các chợ quê mà ngao còn được đi tiêu thụ rộng khắp các chợ ở thành phố trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ dân nhạy bén dùng một số biện pháp như đóng cọc, vây lưới giống ngao tự nhiên để quản lý và đến khi ngao đạt cỡ thương phẩm mới bắt đem bán...Và trên thực tế, sau năm 1989 (thời điểm sơ khai của nghề nuôi ngao lúc đó ở Thái Bình quy mô chỉ khoảng 150 ha), nhưng những năm gần đây, quy mô và sản lượng ngao trong tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 1999 sản lượng ngao thương phẩm khai thác tự nhiên, thu từ vây nuôi đạt 4.200 tấn, thì năm 2000 đã tăng lên 5.500 tấn, và năm 2001 đạt 6 nghìn tấn. Sản lượng ngao thương phẩm tăng nhanh đã dẫn đến nguồn ngao giống tự nhiên cạn kiệt, do khai thác quá ồ ạt, số hộ nuôi tăng chóng mặt, nên ngao giống phải nhập từ các tỉnh ngoài về như: Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng.
Sau một thời huy hoàng của việc nuôi, khai thác ngao, đến năm 2002 - 2003, sản lượng ngao trong tỉnh giảm hẳn, chỉ đạt gần 3 nghìn tấn/năm. Song, đây lại là thời điểm đánh một dấu mốc quan trọng để xuất hiện các “đại gia” ngao và đưa nghề này phát triển theo hướng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số người nuôi ngao ở Nam Thịnh (Tiền Hải) đã cất công vào Bến Tre, Tiền Giang mang giống ngao trắng về nuôi thử trên diện tích 5 ha, kết quả cho thấy giống ngao này thích ứng được thời tiết, khí hậu, môi trường ven biển của tỉnh và cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn so với giống ngao dầu của địa phương.
Với hướng nuôi giống ngao mới này đã thu hút nhiều hộ dân đầu tư sức lực, tiền của và dần phát triển nuôi trên toàn bộ diện tích vùng bãi triều Tiền Hải, sản lượng tăng lên nhanh chóng, thị trường được mở rộng sang các nước EU, đánh dấu một hướng đi mới trong nghề nuôi ngao vùng ven biển Thái Bình. Năm nay, Thái Bình phấn đấu đưa tổng diện tích nuôi ngao lên 1.800 ha, sản lượng ngao thương phẩm 35 nghìn tấn, giá trị 175 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015, diện tích nuôi ngao toàn tỉnh sẽ tăng lên 3.700 ha, trong đó ngao thương phẩm hơn 3.000 ha, ngao giống 750 ha, sản lượng ngao thương phẩm đạt 105 nghìn tấn và năm 2020 tổng diện tích nuôi đạt trên 6.200 ha với sản lượng gấp 5 - 6 lần hiện nay./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=461711


Tin khác