Mua bán sản phẩm khoa học nông nghiệp: Sự tất yếu bắt đầu

30/05/2011

Nhiều hợp đồng chuyển nhượng bản quyền sử dụng giống cây trồng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trị giá nhiều tỷ đồng đã được ký kết hôm 26/5 tại Viện KHKTNN miền Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy, mua bán sản phẩm khoa học nông nghiệp, một sự tất yếu, đã thật sự bắt đầu...

Duyên muộn
Mua bán bản quyền, mua bán sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống cây trồng, quy trình, giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp tưởng đã “xưa như trái đất” nhưng lại hoàn toàn mới mẻ với các nhà khoa học thuộc Viện KHKTNN miền Nam. TS Đỗ Khắc Thịnh, Trưởng phòng Nghiên cứu Di truyền và chọn giống cây trồng của Viện KHKTNN Miền Nam, tác giả của giống lúa VND 95 nổi tiếng, trào dâng cảm xúc: “Chúng tôi trông chờ cuộc họp này đã hơn 10 năm nay rồi, từ thời Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn, chúng tôi thường được ví như người đào giếng, khi giếng có nước thì mạnh ai người ấy múc còn chúng tôi lại hì hục đào giếng khác. Cũng có doanh nghiệp tử tế “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tất niên thường đãi chúng tôi bữa nhậu tặng thêm cuốn lịch, cứ vậy hết tiễn người này đến người khác ra khỏi viện”.
 
GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó TGĐ VAAS kiêm Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam chia sẻ: “Thấy các nhà khoa học sống đạm bạc cũng có người thương đề nghị hỗ trợ nhưng chúng tôi không dám nhận vì chúng tôi đâu có tàn tật, mà có sức khỏe, hơn thế nữa đều là những người thông minh”.
Dù muộn nhưng cuộc “se duyên” giữa các doanh nghiệp với các nhà khoa học lại có những dấu hiệu nồng thắm và rất chân tình. Ông Dương Thành Tài, Phó TGĐ Công ty CP Giống cây trồng miền Nam phân tích: “Anh” (nhà KH) và “em” (DN) từ trước tới nay thường nhìn theo 2 góc độ khác nhau, các anh thì cứ nhìn giống đấy là con cái nhà ai (phả hệ), năng suất thế nào, tính chống chịu ra làm sao, còn bọn em thì nghĩ ngay giống đấy ở phân khúc thị trường nào, có dễ làm không, nông dân có chấp nhận không, có ai cạnh tranh không, độ rủi ro cao không… Bởi vậy những cuộc họp thế này cần được tổ chức thường xuyên và chu đáo hơn, có thể có cả những mô hình sản xuất giới thiệu.
VẪN CẦN ĐIỀU CHỈNH
Ông Giám đốc Cty CP Miền Nam cho biết, vừa qua Cty đã mua 2 giống của Viện Lúa nhưng chưa nhận được quyền sở hữu thì thấy rất nhiều nơi, kể cả dân và đơn vị SX giống đã có giống này, khiến chúng tôi bối rối không biết xử lý như thế nào? Thông tin về việc chính tác giả mất bản quyền giống lúa Nàng hoa 9 cũng được nhìn nhận là rất khó xử vì đơn vị ăn cắp lại đặt tên là NH 9, không phải là Nàng hoa 9 đã được bảo hộ. Rồi cũng có chuyện công ty nọ bỏ ra 10 tỷ để mua bản quyền một giống lúa lai nhưng không lường trước được rủi ro nên không biết bao giờ mới hoàn vốn, nhưng cũng có công ty chỉ mua 200 triệu một giống thuần nhưng chỉ trong 3 năm đã lời nhiều tỷ đồng.
Ông Hàng Phi Quang, TGĐ Cty CP Giống cây trồng miền Nam chia sẻ: “Không thể có ngay hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng để công bằng nên áp dụng theo thông lệ quốc tế là bên mua trả tiền bản quyền theo tỷ lệ doanh số giống đó bán ra hàng năm, còn nếu cứ “mua đứt bán đoạn” thì rủi ro cao, mà thiệt hại về bên nào cũng không thể bền vững". Ông Nguyễn Lâm Danh, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đông Nam, người mua giống LVN 68 của Viện NC Ngô bộc bạch – Nói thật ra tôi cũng rất sợ giống ngô chuyển gen sắp tung ra nhưng do chỉ phải trả tiền bản quyền theo từng năm nên tôi cũng bớt sợ và mạnh dạn mua.
Mặc dù hội nghị chỉ mới thu hút được 24 doanh nghiệp chuyên ngành, tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng chưa cao nhưng ai nấy cũng vui vẻ, hẹn gặp nhau. Đấy là một tín hiệu tốt, “một thành công bất ngờ” chứng tỏ việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học nông nghiệp là một xu thế tất yếu và cho rằng dẫu muộn nhưng sẽ là đòn bẩy kích thích lao động sáng tạo.
CÁC HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐƯỢC KÝ KẾT TẠI HỘI NGHỊ
Mía đường: Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Bên A: Cty CP Mía đường Biên Hòa.
Bên B: Trung tâm NC & Phát triển Mía đường (Viện KHKTNN Miền Nam).
Giá trị hợp đồng: 750 triệu.
Mục tiêu của bên mua: Đặt hàng lai tạo 2 giống mía cho vùng Đông Nam bộ có các đặc tính ưu việt về năng suất, chữ đường, tính chống chịu và nhất là có đặc tính mới - tự rụng lá để thuận tiện cho cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch.
Khoai mì (sắn): Hợp đồng chuyển giao kỹ thuật công nghệ trồng khoai mì (sắn) có năng suất cao, đảm bảo phát triển bền vững quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu, Tây Ninh.
Bên A: Cty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh.
Bên B: Trung tâm NC Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKTNN Miền Nam).
Giá trị hợp đồng: 1,6 tỷ đồng.
Mục tiêu của bên mua: Có được bộ giống sắn có những đặc tính ưu việt về năng suất, hàm lượng bột và tính chống chịu thích hợp trước hết cho vùng nguyên liệu của bên mua, thứ nữa có thể phát triển thương mại giống sắn rộng rãi trên địa bàn Tây Ninh cùng những quy trình kỹ thuật để đảm bảo bền vững, ổn định về nguồn cung cấp củ sắn tươi cho 2 nhà máy tinh bột sắn của bên B.
Khoai tây: Hợp đồng cung ứng giống khoai tây phục vụ chế biến công nghiệp TK 96.1.
Bên A: Chi nhánh Pepsico Bình Dương.
Bên B: Trung tâm NC Khoa tây, rau và hoa (Viện KHKTNN Miền Nam).
Giá trị hợp đồng: 300 triệu.
Mục tiêu của bên mua: Đảm bảo nguồn cung khoai tây củ cho nhà máy chế biến công suất 1.000 T củ/tháng mà 70% hiện nay phải nhập khẩu. Bên mua chọn giống TK 96.1 vì năng suất, tỷ lệ chế biến công nghiệp cao và đặc biệt là có thể trồng trong mùa mưa tại khu vực Lâm Đồng.
Ngô lai: Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác giống ngô lai LVN 68.
Bên A: Cty CP Giống cây trồng Đông Nam.
Bên B: Viện Nghiên cứu Ngô.
Giá trị hợp đồng: 3,0 tỷ.
Mục tiêu của bên mua: Độc quyền sản xuất và cung ứng giống ngô lai trên từ phía nam đèo Hải Vân trở vào.
Rau: Biên bản ghi nhớ chuyển nhượng bản quyền 2 giống rau là dưa chuột và bí đỏ.
Bên A: Tổng Cty Nông nghiệp sài Gòn.
Bên B: Viện Nghiên cứu Rau quả.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/78843/Default.aspx


Tin khác