Thêm "cú sốc" trong phát triển cao su tiểu điền: Nông dân Quảng Trị bị hạ "nốc ao"

30/05/2011

Nông dân trồng cao su ở Quảng Trị đang bị sốc nặng khi những vườn cao su nối tiếp nhau chết hàng loạt do rét đậm và rét hại gây ra trong thời gian qua.

Tan nát cao su
Thời sự nhất với nông dân Quảng Trị lúc này là làm thế nào để hạn chế thấp nhất diện tích vườn cao su bị chết. Trong các huyện thị trồng cao su, Vĩnh Linh là địa phương có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất. Mấy tháng nay, nhiều vườn cao su mới trồng (cao su kiến thiết) của nông dân ở huyện này thi nhau chết.  
Chị Võ Thị Liễu, thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) cho biết: “Cây đang xanh bỗng héo dần lá và chết ngược từ trên ngọn xuống gốc”
 
Ông Nguyễn Văn Lành ở thôn Thuỷ Ba Tây, xã Vĩnh Thuỷ, có đến 1.700 cây cao su một tuổi bị chết rụi. Số cây này tương đương với diện tích một vườn cao su hơn 3 ha. Theo ông Lành số cây chết hiện chưa dừng lại. Nhìn vườn cao su chết tàn tạ, cả nhà ông Lành ăn ngủ không yên. Cùng thôn Thuỷ Ba Tây có rất nhiều nông dân có vườn cao su bị chết. Anh Lê Văn Hoá có 1.500 cây cao su bị chết, tương đương 3 ha. Ông Võ Đức Diện- Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thuỷ, cho biết: “Cây cao su trồng mới từ 1 đến 2 tuổi của thôn Thuỷ Ba Tây khoảng 100 ha nhưng có từ 80 đến 90% phải trồng lại vì cao su bị chết trong mấy tháng nay. Ngoài ra, số cao su đã khai thác (cao su kinh doanh) bị chết 10 ngàn cây, chừng 20 ha nữa. Thiệt hại này là rất lớn” . 
Gần xã Vĩnh Thuỷ là xã Vĩnh Long, vườn cao su của bà con nông dân cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Lê Văn Chiến, trưởng thôn Quảng Xá- xã Vĩnh Long, cho biết: “Thôn có 120 hộ dân thì có tới 90% hộ gia đình trồng cây cao su, với tổng diện tích 40ha. Từ 3 tháng nay, hàng nghìn cây cao su của bà con sắp cho khai thác bị bệnh chết hàng loạt. Hiện bà con nông dân rất lo âu nhưng không biết xoay xở thế nào”. 
Một cây cao su 3 năm tuổi của chị Liễu phải cắt bỏ ngang thân vì nhiễm bệnh
 
Toàn xã Vĩnh Long có 14 thôn, trồng trên 300ha cao su, trong đó trên 2/3 diện tích sắp cho khai thác mủ nay đã bị bệnh chết hàng loạt. Xã mới thống kê ở 8 thôn mà có tới hơn 51 ngàn cây bị chết. Còn tại xã Vĩnh Hiền, chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ khuyến nông xã, cho hay: “Diện tích cao su chết ở xã này tập trung nhiều ở thôn Thái Mỹ, nhiều gia đình nông dân có số cây chết đến 1.500 cây. Toàn xã có từ 40 đến 50 ha cao su bị bệnh rồi chết ngang ngọn, cành”. 
Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh cho hay, tổng diện tích cây cao su tiểu điền của huyện gần 6.500ha, trong đó cao su đang khai thác 4.310ha, cao su chưa khai thác, độ tuổi từ 1 đến 6 năm hơn 2.156ha. Thời tiết biến đổi khắc nghiệt nên có 80% diện tích cây cao su trên toàn huyện bị bệnh, trong đó thiệt hại nặng khoảng 40%. Bên cạnh thiệt hại nặng về cây cao su chưa đủ tuổi khai thác, bà con còn thiệt hại rất lớn từ cây cao su kinh doanh đã đưa vào khai thác mủ. Bình quân 1ha cây cao su cho lãi 500.000 đồng/ngày, thì khoảng 4.000ha cây cao su kinh doanh bị bệnh, chưa cạo được gây thiệt hại tới 2 tỷ đồng/ngày.  
Con trai của chị Liễu chỉ tận tay một một cây cao su 3 năm tuổi trong vườn phải cắt bỏ ngang thân vì nhiễm bệnh
 
Ngập tràn lo âu
Bây giờ, nụ cười không còn trên môi của nông dân trồng cao su tiểu điền Quảng Trị. Thay vào đó là tràn ngập những lo âu vườn cao su chết, nợ nần sẽ kéo đến. Không phải ai trồng cao su cũng có nhiều tiền để đầu tư. Có không ít người trồng cao su theo phong trào, thấy người ta làm được mình cũng vay vốn ngân hàng mua lại vườn cao su mới 1, 2 tuổi về chăm. Song quả ngọt đâu chưa thấy thì tai hoạ đã ập đến. 
Cao su ở các vùng khắp Quảng Trị vẫn đang úp chén, đã chậm 2 tháng trời chưa khai mủ được vì dịch bệnh hoành hành
 
Đi tìm nguyên nhân cây cao su chết, ông Lê Mạnh Kết- Chi cục trưởng Chi cục BVTV Quảng Trị cho biết đã “bắt" được hai loại bệnh đang phá hoại vườn cao su Quảng Trị, đó là bệnh phấn trắng và bệnh héo đen đầu lá.
Theo ông Kết, nguyên nhân gây bệnh hàng loạt trên cao su có thể do thời tiết biến đổi thất thường, rét đậm, rét hại kéo dài, rồi sương mù ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển của cây cao su. Thời điểm hiện tại diện tích cao su kiến thiết cơ bản bị bệnh héo đen đầu lá với gần 2.000 ha. Còn bệnh phấn trắng xuất hiện đại trà cả hai loại cao su kiến thiết và kinh doanh nhưng nặng hơn là ở vườn cao su kiến thiết, với gần 2.200 ha bị nặng.
Ngoài ra chưa kể hơn 3.000 ha cao su kinh doanh của Cty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cũng đang "trọng bệnh". Những ngày này, cán bộ của Chi cục BVTV Quảng Trị, Phòng NN-PTNT các huyện tập trung giúp bà con nông dân cắt bỏ những cây cao su bị chết ngọn, chết cành, dọn sạch lá rụng để đốt nhằm loại trừ mầm bệnh lây nhiễm. Sử dụng các hoá chất phun cho cây cao su để trị bệnh nhằm cho vườn cây sớm phục hồi.
Từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, Quảng Trị là một trong những tỉnh đầu tiên của miền Trung trồng cao su và được phát triển mạnh mẽ với diện tích  gần 15.000 ha. Song sau “dư chấn” này, không ít ý kiến cho rằng, không nên phát triển cây cao su ở tỉnh này một cách ồ ạt. Bởi vì, với sự biến đổi thất thường của khí hậu như hiện nay, không ai dám chắc năm sau sẽ hết rét và những vườn cây cao su lại không bị thiệt hại như vậy nữa.
Một bài toán kinh tế rất rõ, riêng cao su kinh doanh ở Quảng Trị bị bệnh, làm chậm thời vụ khai thác mủ đến hơn một tháng thì số tiền bị thiệt hại phải đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể khoản vốn mà bà con nông dân phải đầu tư trồng lại cao su kiến thiết mới 1, 2 tuổi vừa bị chết sạch.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam số 106 ngày 30-05-2011

 


Tin khác