Kim Ngạch Xuất khẩu nông sản 2011: Kỳ vọng sẽ vượt mục tiêu 23 tỷ USD

02/06/2011

Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản trên 10 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đang kỳ vọng vượt mục tiêu đề ra (23 tỷ USD trong năm 2011).

Kim ngạch tăng cao…
Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh ở tất cả thị trường trọng điểm. So với cùng kỳ năm ngoái, thủy sản xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 27,3%; xuất khẩu cà phê đạt 1,8 tỷ USD, tăng 43,8% về lượng và 130% về giá trị; xuất khẩu cà phê tăng 26,3% về lượng và tăng hơn 100% về giá trị...
Xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái .
 
Một số nông sản khác giảm về sản lượng, song kim ngạch vẫn tăng mạnh, như hạt tiêu, hạt điều.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, trong những tháng cuối năm, hàng nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn khả quan về thị trường và tiếp tục xu hướng tăng giá. Nhiều khả năng, kim ngạch xuất khẩu cả năm của cả ngành sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, mặt hàng thủy sản xuất khẩu dự báo sẽ đạt 5,8 - 6 tỷû USD trong năm 2011, tăng 0,8 - 1 tỷ USD so với thực hiện năm 2010, do giá xuất khẩu tăng mạnh. Riêng với cá tra xuất khẩu, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đầu quý III năm nay sẽ tăng giá bán thêm 0,2 USD/kg. Dù tăng giá, nhưng các đơn hàng vẫn rất khả quan.
Tương tự, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác cũng đang được dự báo sẽ tăng tốc mạnh mẽ so với dự báo. Xuất khẩu cà phê có thể đạt kim ngạch kỷ lục 3 tỷ USD năm nay, do giá xuất khẩu cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 34 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
… nhưng rủi ro vẫn rình rập
Nông sản xuất khẩu nước ta được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng giá hàng hoá thế giới tăng lên từ nay đến cuối năm. Dù vậy, lợi nhuận xuất khẩu chưa cao, tăng trưởng thiếu bền vững do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, nên giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thừa nhận: “Đơn hàng từ nay đến cuối năm rất khả quan, nhưng điều lo lắng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn cung nguyên liệu thế giới khan hiếm trầm trọng”.
Không chỉ khan hiếm, gỗ nguyên liệu thế giới cũng liên tục tăng giá, cộng với mức lãi suất kỷ lục hiện nay, khiến một số khách hàng đang có xu hướng chuyển sang thị trường khác. Tương tự, lãi suất cao, khó vay vốn mua nguyên liệu cũng khiến các doanh nghiệp ngành điều đứng trước nguy cơ mất hợp đồng.
Với mặt hàng cà phê, dù giá cà phê tăng kỷ lục, song theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, rủi ro xuất khẩu là rất lớn.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản nước ta lợi nhuận thấp, luôn “chênh vênh” về giá, về thị trường là chưa đẩy mạnh được xuất khẩu nông sản tinh, nông sản qua chế biến. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 90% sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện dưới dạng sơ chế, nên giá xuất khẩu thấp hơn giá sản phẩm cùng loại của các nước khác 5 - 10%.
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư

Nguồn:

http://baodautu.vn/portal/public/vir/baivietthuongmai/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/thuongmai/xuatnhapkhauhoinhap/403d2e677f000001008dd2fac97a5b70


Tin khác