Thông tư 03/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thuỷ sản có hiệu lực từ ngày 1/5/2011. Tuy nhiên, để Quyết định này đi vào cuộc sống, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Khó khăn và kỳ vọng
Việc hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, lâm, thuỷ sản thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT được thực hiện dưới hai hình thức: cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Ông Đỗ Hà Nam, Công ty Xuất - nhập khẩu Intimex chia sẻ: "Không riêng càphê bị doanh nghiệp nước ngoài "lấn sân" mà các mặt hàng nông sản khác cũng gặp tình trạng tương tự. Trong cuộc đua này, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng chiếm ưu thế vì có vốn lớn. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào nguồn vốn 40.000 tỷ đồng mà Chính phủ sẽ hỗ trợ cho việc giảm tổn thất sau thu hoạch".
|
Nông dân rất kỳ vọng vào chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch.
|
Có một thực tế là hầu hết các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản chưa được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cũng như hạ tầng kỹ thuật. Việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc, năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch còn hạn chế, bất cập…
Theo ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá, những tổn thất dù là rất nhỏ đối với nông dân sau thu hoạch cũng gián tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuỷ sản. Vì vậy, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch không chỉ là động lực giúp nông dân gia tăng sản xuất mà còn tạo điều kiện cho nông dân và DN trong kinh doanh hàng nông sản.
Cần giải pháp đồng bộ
Tuy nhiên, để Quyết định 63 thực thi có hiệu quả, giải quyết được những kỳ vọng lớn lao của nông dân và DN, theo ông Vũ Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cần phát huy tối đa tính chủ động trong ngành. Cụ thể, phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt nhất. Ngoài ra, các thiết bị lưu chuyển nông sản trên thị trường cũng cần được tăng cường để bảo đảm chất lượng sau một chặng đường dài vận chuyển.
Bà Hoàng Lệ Hằng, Phó trưởng bộ môn Bảo quản chế biến (Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương) cho biết, xây kho bảo quản chỉ là liệu pháp tạm thời, về lâu dài, muốn hoa quả trong nước xuất khẩu bền vững, quy mô lớn thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải được thực hiện sớm. Ngoài ra, cần nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến, hiện đại như: bảo quản mát, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, chiếu xạ nhằm kéo dài thời gian vận chuyển đi xa và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đệ, thành viên chương trình chống thất thoát sau thu hoạch của Viện Lúa quốc tế (IRRI), những thất thoát có thể giảm đáng kể và thu nhập từ thu hoạch lúa gia tăng nếu nông dân và nhà chế biến có điều kiện lựa chọn các tiến bộ về quản lý và công nghệ sau thu hoạch như máy gặt, máy sấy lúa, hệ thống tồn trữ kín, kỹ thuật xay xát cải tiến. Vì vậy, cần hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất và đặc biệt là nhanh chóng xây dựng kho chứa lúa công nghệ hiện.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn