Tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường đường

01/06/2011

Thị trường đường của Việt Nam trong thời gian qua khá bấp bênh do tình trạng nhập khẩu đường lậu tràn lan gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có tới vài trăm nghìn tấn đường được nhập lậu vào Việt Nam, chỉ tính riêng khoản thuế thất thu của ngân sách Nhà nước cũng đã lên tới khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Lượng đường nhập lậu chiếm 1/4 lượng đường tiêu thụ
Trong những năm qua, việc kinh doanh đường lậu vẫn diễn ra phổ biến trên thị trường Việt Nam, đây có thể xem là một hình thức bán phá giá (có thể bán thấp hơn do trốn thuế), cạnh tranh không lành mạnh nên đã gây tác động xấu đến thị trường và ngành sản xuất đường trong nước.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với sức tiêu thụ của thị trường nội địa khoảng trên 1 triệu tấn/năm, lượng đường nhập lậu đang chiếm tới 1/4 lượng đường tiêu thụ của Việt Nam. Điều này khiến các nhà máy không thể cạnh tranh, sản xuất gặp khó khăn, thua lỗ và khó có điều kiện phát triển…
Cũng do lượng đường nhập lậu tràn lan, nên theo ước tính của ngành mía đường, mỗi năm tổng số tiền thuế thất thu do đường nhập lậu cũng trên dưới 500 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và để hạn chế thực trạng đường nhập lậu, Bộ Công Thương đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp được cấp quota nhập khẩu đường trong năm 2011 tạm ngừng việc nhập đường. Quyết định tạm ngưng nhập khẩu đường của Bộ Công Thương đã tác động tích cực đến việc tiêu thụ đường trong nước.
Song có ý kiến lại cho rằng, cần phải có sự điều hành hợp lý nếu không lại xảy ra tình trạng khan hiếm đường trước khi vào niên vụ sản xuất mới.

Theo bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà thì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ vào khoảng 1,4 triệu tấn đường. Lượng đường sản xuất trong nước cộng với lượng nhập khẩu đã được cấp phép cũng chỉ là vừa đủ. Cũng theo bà Sum, thời điểm này tại các tỉnh phía bắc mỗi ngày đều có từ 2.000 - 3.000 tấn đường được xuất đi Trung Quốc. Nước láng giềng này năm nay theo dự báo đang cần nhập khẩu tới 2 triệu tấn đường. Nếu điều hành không khéo thì sang quý 3/2011, nước ta có thể lại thiếu hụt đường.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Nhà máy đường Bình Định cho biết, niên vụ này nhà máy sản xuất được 42.000 tấn đường. Nhưng lượng đường đã bán ra là 40.000 tấn, tồn kho chỉ khoảng 2.000 tấn. Theo đó, giá đường hiện nay các nhà máy bán ra chỉ cần ở mức 17.000 - 17.500 đồng/kg là đã đảm bảo có lãi. Vì vậy, để tiêu thụ sản phẩm các nhà máy cần xem xét tới phương án hạ giá bán.

Giải pháp bình ổn thị trường đường
Để bình ổn giá đường trong nước, theo Hiệp hội mía đường, ngoài việc tăng cường chống nhập lậu đường, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên cho phép các doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự vệ khi thừa cung cục bộ, tức là cho phép họ xuất khẩu lượng đường dư thừa, nhưng sau đó lại cấp phép nhập khẩu đúng bằng lượng đã xuất đi căn cứ vào tình hình cụ thể. Trong điều kiện chưa thể giải quyết triệt để ngay vấn nạn đường nhập lậu, Hiệp hội Mía đường đề nghị nhà nước nên điều chỉnh giảm thuế suất VAT ngành đường xuống mức 0% (do đường nhập lậu trốn cả thuế VAT và nhập khẩu). Đây được xem là điều kiện giúp ngành đường trong nước có môi trường cạnh tranh tốt hơn, giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt.

Ngoài ra, để cân bằng lợi ích giữa người trồng mía, nhà sản xuất và người tiêu dùng các nhà máy cần phải cùng nhau xây dựng giá đường cho thị trường trong nước, còn giá trên thế giới chỉ là để tham khảo vì giá này có thể bị một số nhà đầu cơ thao túng. Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng các nhà máy đường trong nước trước hết cần phải có những biện pháp chủ động tự bảo vệ mình thông qua việc sử dụng tem chống hàng nhái, hàng giả để giúp có quan chức năng có thể phát hiện ngay hàng nhập lậu khi kiểm tra. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long cho biết, trước những diễn biến về thị trường đường, Hiệp hội đang xây dựng phương án thành lập công ty cổ phần thương mại với sự tham gia tự nguyện của các hội viên nhằm thực hiện chức năng bình ổn giá đường trong nước...
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=461954


Tin khác