Tình hình kinh tế vĩ mô bước đầu có chuyển biến tích cực

02/06/2011

Đây là nhận định được Tổng cục Thống kê nêu ra khi đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội nước ta 5 tháng đầu năm 2011.

Theo đó, mặc dù diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng, giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước ở mức cao và để thực hiện mục tiêu ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát, các ngành, các cấp, Tập đoàn kinh tế và địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ.
Nông dân gieo mạ trên cánh đồng huyện Hoài Đức, Hà Nội với tâm thế tin vào một vụ thu hoạch bội thu (Ảnh: HNV)
 
Một số tín hiệu khả quan và tích cực
Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc, thu hoạch lúa đông xuân và xuống giống lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến 15/5/2011, các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo trồng lúa đông xuân, diện tích ước tính đạt 1149,8 nghìn ha, bằng 100,2% vụ đông xuân năm trước. Theo đánh giá ban đầu, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 58,6 tạ/ha, bằng 98,5% vụ đông xuân năm trước. Còn tính đến trung tuần tháng 5, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1973,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103,1% cùng kỳ năm trước. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất ước tính đạt 66,9 tạ/ha, bằng 101,9% cùng kỳ năm trước và sản lượng đạt 10,5 triệu tấn, bằng 102,1%. Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1251,7 nghìn ha lúa hè thu, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1150,8 nghìn ha, bằng 103%. Gieo trồng các cây trồng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến thời điểm trên, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 675,7 nghìn ha ngô, bằng 95,6% cùng kỳ năm trước; 98,3 nghìn ha khoai lang, bằng 96,1%; 179,3 nghìn ha lạc, bằng 100,8%; 116,9 nghìn ha đậu tương, bằng 82,9%; 501,9 nghìn ha rau đậu, bằng 98,6%. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2011, đàn lợn cả nước có 26,3 triệu con, giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm 2010; đàn trâu, bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,9%. Tính đến ngày 24/5/2011, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh là: Dịch cúm gia cầm ở Lạng Sơn và Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Quảng Ninh và Đắk Lắk; dịch tai xanh trên lợn ở Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An.
Đối với lâm nghiệpdiện tích rừng trồng tập trung cả nước tháng Năm ước tính đạt 12 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 13,2 triệu cây; sản lượng gỗ khai thác 346 nghìn m3. Tính chung năm tháng đầu năm 2011, diện tích rừng trồng tập trung đạt 45,1 nghìn ha, bằng 91,8% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 90,7 triệu cây, tăng 1,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1656,5 nghìn m3, tăng 11,9%. Trong 5 tháng đầu năm, diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá là 354,9 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 200,4 ha; diện tích rừng bị chặt phá 154,5 ha. Các địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Kon Tum 158,3 ha; Bắc Giang 38,5 ha.
Với thủy sản, trong tháng 5, sản lượng khai thác ước tính đạt 493 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 406 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 34,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 284 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 247 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 5,4%. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 1990,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 960,6 nghìn tấn, tăng 5,4%; sản lượng khai thác đạt 1029,8 nghìn tấn, tăng 1,4% (khai thác biển đạt 959,2 nghìn tấn, tăng 1,5%), trong đó cá ngừ đại dương 7,3 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (Trung ương quản lý tăng 5,6%; địa phương quản lý tăng 3,1%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (Trung ương quản lý tăng 5,5%; địa phương quản lý tăng 3,7%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%. Trong đó, đặc biệt phải kể đến một số ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đường tăng 44,9%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 39,2%; sản xuất bột thô tăng 29,7%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 26,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 25,8%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 19,6%; sản xuất sắt, thép tăng 18,7%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/5/2011 ước tính đạt 248 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 42%; thu từ dầu thô 36,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 49,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%. Trong đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2011 ước tính 270,3 nghìn tỷ đồng, bằng 37,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 61 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 58,3 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể 172 nghìn tỷ đồng, bằng 38,9%; chi trả nợ và viện trợ 37,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3%.
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 5 ước tính 17,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương đạt 3,8 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương đạt 14 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện 73,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2011 đạt 4688,1 triệu USD, bằng 51,9% cùng kỳ năm 2010. Cả nước có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1225,8 triệu USD, chiếm 34,8% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Hà Nội 389,3 triệu USD, chiếm 11%; Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 7,5%; Bắc Giang 254,5 triệu USD, chiếm 7,2%; Đà Nẵng 239,6 triệu USD, chiếm 6,8%. Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1099,4 triệu USD, chiếm 31,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu HC Hồng Công (TQ) 529,5 triệu USD, chiếm 15%; Ma-lai-xi-a 343,6 triệu USD, chiếm 9,7%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 256,3 triệu USD, chiếm 7,3%; Xa-moa 250 triệu USD, chiếm 7,1%; Hàn Quốc 238,1 triệu USD, chiếm 6,8%; Nhật Bản 231,9 triệu USD, chiếm 6,6%.
Giải phóng mặt bằng, triển khai Dự án Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Ảnh: HNV)
 
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước một mặt do đơn giá bình quân một số mặt hàng tăng, mặt khác do lượng xuất khẩu tăng. Đó là tín hiệu đáng mừng Tuy nhiên, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, nhập siêu tháng 5/2011 ước tính 1,7 tỷ USD, bằng 22,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu 5 tháng đầu năm là 6,6 tỷ USD, bằng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Một tín hiệu khả quan nữa là chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 2,21% so với tháng trước, tuy vẫn cao nhưng đã giảm nhiều so với mức tăng 3,32% của tháng trước…
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội
Có thể thấy, 5 tháng đầu năm, sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực bị tác động bởi chi phí đầu vào cao dẫn đến giá thành tăng, làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã thấp hơn so với tháng trước nhưng nhìn chung tình hình trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến thị trường giá cả trong nước.
Do đó, theo nhìn nhận của Tổng cục thống kê, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới, các ngành, các cấp và các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm bao gồm:
Một là, điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ linh hoạt, hợp lý để vừa giảm lượng cung tiền, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước. Đặc biệt có kế hoạch và chương trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường giá cả hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” dẫn đến hiện tượng giá tăng giả tạo.
Hai là, phân tích, đánh giá sâu thực trạng cơ cấu hàng nhập khẩu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn nhằm hạn chế nhập siêu. Xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu linh hoạt, hợp lý. Xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các biện pháp về chính sách thuế, chính sách tiền tệ nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tích cực tham gia và tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm để đa dạng hóa thị trường.
Ba là, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các đơn vị chức năng trong việc tập trung dập tắt triệt để các ổ dịch mới xuất hiện. Quản lý, kiểm dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm trên từng địa bàn trong cả nước.
Bốn là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Quan tâm đến chế độ bảo hiểm cho các đối tượng chính sách, ưu tiên giải quyết nguyện vọng của người nghèo và ổn định việc làm cho công nhân. Cộng đồng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần tăng cường các hình thức hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho các hộ nghèo để khuyến khích, động viên, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=462347


Tin khác