Phát triển nghề mộc ở Thái Hoà, Nghệ An: Khó vì thiếu quy hoạch bài bản

02/06/2011

Khối Chế biến lâm sản thuộc phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa, Nghệ An có trên 500 hộ thì gần 150 hộ sản xuất và kinh doanh nghề mộc. Song, để phát triển, mở rộng nghề rất cần sự vào cuộc thực sự của chính quyền và các ngành chức năng.

Năm 2004, Khối Chế biến lâm sản thuộc phường Quang Phong được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề (giai đoạn 1). Hiện khối đang xúc tiến việc quy hoạch, đầu tư để được tiếp tục công nhận làng nghề giai đoạn 2.
Gia tăng... tỷ phú
Nghề mộc ở phường Quang Phong chiếm hơn 2/3 tổng thu nhập toàn phường, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, với thu nhập từ 3- 7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình đã thành lập công ty TNHH, mở xưởng sản xuất lớn, có thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng mộc của anh Trần Ngọc Sơn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động
 
Gia đình anh Trần Ngọc Sơn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, phát triển nghề mộc, doanh thu hàng năm hơn 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động. Hay như xưởng mộc của anh Đồng Ngọc Luyện hàng năm doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng, thường xuyên sử dụng trên 10 lao động.
Ông Nguyễn Văn Đính- Trưởng khối Chế biến lâm sản cho biết: "Tiềm năng phát triển nghề mộc ở đây rất lớn, nhiều gia đình trở thành tỷ phú từ việc sản xuất, kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng thanh niên, theo đó giảm thiểu các loại tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, hiện khối chỉ còn 28 hộ nghèo".
Nghề mộc ở phường Quang Phong chiếm hơn 2/3 tổng thu nhập toàn phường, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, với thu nhập từ 3- 7 triệu đồng/người/tháng.
Khó nhiều bề...
Tuy nhiên, việc phát triển nghề mộc ở phường Quang Phong đang đứng trước không ít khó khăn. Trước hết là nguyên liệu đầu vào không ổn định và ngày một khan hiếm, chi phí lại tăng cao.
Cùng với đó, mặt bằng sản xuất chưa được quy hoạch, các hộ chủ yếu sản xuất tại nhà nên hạn chế ít nhiều trong việc giới thiệu và trao đổi, mua bán sản phẩm. Việc thiếu nhà xưởng, sản xuất tại nhà còn gây ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn, khói bụi, đặc biệt là việc phun sơn lên các mặt hàng mộc mỹ nghệ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Đính khẳng định: “Để khắc phục khó khăn này, địa phương cần sớm quy hoạch và xây dựng mặt bằng và các tổ hợp sản xuất, đảm bảo môi trường sinh hoạt cho cộng đồng dân cư”. Ngoài ra, theo các hộ sản xuất và kinh doanh nghề mộc ở phường Quang Phong, một khó khăn không nhỏ nữa làng nghề đang gặp phải là nguồn điện ở địa phương thiếu ổn định nên nhiều khi việc sản xuất bị đình trệ, đặc biệt vào mùa nắng nóng, việc cắt điện luân phiên dễ dẫn đến kinh doanh thua lỗ.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
 

Tin khác