Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân

31/05/2011

Trong năm năm qua (2006-2010), nông nghiệp, nông thôn Bạc Liêu tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành công lớn: Sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, đúng hướng; đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn người dân được cải thiện rõ rệt, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được tăng cường, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn...

Sự nỗ lực và những thành tựu nổi bật
Những thành tựu nổi bật đó là: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 đạt 9.231 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm 8,62% (vượt mục tiêu 3,82%); theo giá hiện hành đạt 21.262,3 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm hơn 16% (vượt mục tiêu hơn 10%). Tổng sản phẩm tăng thêm trong nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 đạt giá trị 4.106 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt hơn 15% (theo giá hiện hành).
Về sản xuất lương thực năm 2010 đạt hơn 810 nghìn tấn (vượt mục tiêu hơn 31%), bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và góp phần cùng cả nước bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù thường xuyên phải đối mặt với những thách thức về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, song ngành chăn nuôi Bạc Liêu vẫn có bước phát triển khá, nhất là gây nuôi động vật hoang dã, năm 2010 có 218 nghìn con lợn, 2,14 triệu gia cầm, hơn 317 nghìn con cá sấu và hơn 410 nghìn con ba-ba, cua đinh, càng đước, trăn, rắn,.... Nét nổi bật trong ngành chăn nuôi là việc đưa vào sản xuất các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng thịt, trứng cao, cho nên hiệu quả trong chăn nuôi từng bước được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Về thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng thủy sản (năm 2010 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 7.055 ha, số phương tiện tàu cá tăng 323 phương tiện, năng suất nuôi trồng thủy sản tăng 246 kg/ha; sản lượng tăng 68.544 tấn so năm 2005). Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2010 đạt hơn 241 nghìn tấn (vượt 17% so mục tiêu). Về sản xuất muối tăng nhanh cả về quy mô diện tích, năng suất, sản lượng, nhất là sản lượng muối trắng chất lượng cao trên nền sân kết tinh (năm 2010 đạt sản lượng hơn 266 nghìn tấn, tăng 2,78 lần so với năm 2005). Về công tác bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng luôn được ngành quan tâm chỉ đạo đối với rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ môi trường, rừng đặc dụng và trồng cây phân tán trong nhân dân; độ che phủ của rừng và cây lâu năm luôn duy trì ở mức 8,5 - 10% diện tích tự nhiên.
Về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, về cơ bản bảo đảm việc cấp, thoát nước, ngăn mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, xổ phèn cho hơn 2.468 km2 đất nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, (trong đó đất nông nghiệp 2.070 km2); tạo ra hệ thống giao thông thủy, góp phần phát triển giao thông nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế nông thôn. Xây dựng nhiều hệ thống cấp nước sạch tập trung có xử lý nước (năm 2010 có 74% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 53% số hộ sử dụng nước an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia); hướng dẫn nông dân xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, xử lý chất thải trong chăn nuôi dùng làm khí đốt bi-ô-ga rất có hiệu quả về kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất và làm sạch môi trường...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp, nông thôn của Bạc Liêu vẫn tồn tại những yếu kém đó là: Nông nghiệp phát triển còn ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được chặt chẽ. Công tác nghiên cứu xác định tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản nông sản còn hạn chế. Việc đổi mới cách thức sản xuất chậm, sản xuất theo lối truyền thống còn khá phổ biến; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, ngành hàng phân tán, sử dụng nhiều công lao động, hiệu quả đầu tư thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp (nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm cho nông dân. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới, chưa tương xứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, còn phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, hiệu quả sản xuất thấp; một số hợp tác xã (HTX) hoạt động kém hiệu quả, năng lực tổ chức quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế; nhiều tổ chức hợp tác được hình thành mang tính thời vụ, tự phát, hiệu quả sản xuất thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn bất cập.
Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Nhận rõ những thế mạnh, thành tựu và những mặt còn hạn chế, yếu kém nêu trên, đặc biệt, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng mà Nghị quyết Ðại hội 14 Ðảng bộ tỉnh và Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đã đề ra, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao độ để góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh phấn đấu phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2015 (GDP nông, ngư nghiệp đạt 5.401 tỷ đồng theo giá so sánh, tốc độ tăng bình quân hằng năm 5,52%, sản lượng lúa đạt 850 nghìn tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 288 nghìn tấn, trong đó sản lượng tôm 117 nghìn tấn; cá và thủy sản khác 171 nghìn tấn; sản lượng muối 165 nghìn tấn; tỷ lệ phục vụ tưới tiêu bảo đảm 100% diện tích sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn đạt 75 %; tỷ lệ hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt 75%; có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí; 10 xã đạt 10/19 tiêu chí và 27 xã còn lại đạt 5/19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QÐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ), cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể sau đây:
Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch ngành và các quy hoạch sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xúc tiến đầu tư xây dựng thành công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư xây dựng thí điểm mô hình 'nông nghiệp đô thị' để triển khai nhân rộng trong tương lai. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao mức an toàn phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giảm tổn thất do thiên tai bão lũ gây ra. Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung, thâm canh theo chiều sâu, bảo vệ ổn định quỹ đất lúa sản xuất hai, ba vụ/năm và mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm (đạt 33-35 nghìn ha) để gia tăng sản lượng lúa, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và tăng sản lượng lúa hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn (quan tâm đầu tư phát triển cây măng tây, ngò rí lấy hạt) và gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống cây trồng và quy trình sản xuất mới (VietGAP); tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu; đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, chuyển giao công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo, rau quả trên thị trường trong nước và xuất khẩu...
Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, gây nuôi động vật hoang dã (quan tâm phát triển đàn chim yến) theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh và theo quy hoạch được phê duyệt. Tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng đàn giống, đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo để tạo bước đột phá trong chăn nuôi gia súc, xây dựng các vùng sản xuất giống trong dân để chủ động con giống phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục khẳng định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ðể phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, cần tập trung chỉ đạo làm tốt một số công việc cụ thể sau đây:
Chỉ đạo rà soát lại diện tích nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh; duy trì ổn định, phát triển bền vững các hình thức canh tác thân thiện với môi trường (nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - lúa, tôm - rừng,...). Xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm thủy sản sinh thái làm ưu thế cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản của vùng. Tăng cường công tác quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm phát triển thủy sản của từng khu vực, từng tiểu vùng cụ thể. Có chương trình giám sát vùng nuôi và môi trường nuôi chặt chẽ; tăng cường công tác thông tin dự báo để ngăn chặn và khắc phục kịp thời những sự cố gây bất lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, hệ thống xử lý nước thải,...) phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản, nhất là khu vực quy hoạch 15.000 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Ðồng thời, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu sản xuất giống thủy sản tập trung nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, quy trình sản xuất và kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, khuyến khích mở rộng cơ sở sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu giống thủy sản phục vụ sản xuất tại địa phương...
Xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển đổi phương tiện đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ; hướng dẫn chuyển đổi một số nghề khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản sang ngành nghề khác; khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện tốt bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác hải sản. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hiện có; phát triển một số cơ sở đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu cá; hoàn thành đưa vào sử dụng Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Gành Hào, Nhà Mát và Cái Cùng...
Quan tâm công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển ba loại rừng; nhân rộng mô hình tôm - rừng và khuyến khích áp dụng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao trách nhiệm và năng lực bảo vệ rừng của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất, chế biến muối để nâng cao chất lượng muối Bạc Liêu, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và thị trường hiện nay. Trên cơ sở nhu cầu thị trường để có kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích sản xuất muối trắng chất lượng cao một cách hợp lý (đạt 50% diện tích sản xuất trải bạt trên nền sân kết tinh vào năm 2015), bảo đảm lợi ích cho người làm muối. Thực hiện mô hình sản xuất muối - nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất, cải thiện đời sống diêm dân. Ðẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành muối, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối để tạo điều kiện cho diêm dân nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất muối; xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu muối Bạc Liêu.
Tích cực triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo đúng thời gian và lộ trình quy định: Tập trung chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập; tiếp tục triển khai chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội...
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường mối quan hệ hợp tác liên kết vùng và chương trình hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu...
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=462027


Tin khác