Nghèo giữa kho “vàng xanh”

31/05/2011

Nhiều người dân dù sống ngay cạnh kho “vàng xanh” lại không hề biết công dụng của nó, nên đã không ngần ngại khai thác theo kiểu tận diệt.

Vùng núi phía Bắc nước ta được ví như kho “vàng xanh” khổng lồ với rất nhiều loại dược liệu quý, có công dụng chữa bệnh hơn hẳn cây thuốc mọc ở những vùng khác nhờ được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, kho dược liệu ấy đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt bởi hoạt động khai thác quá mức suốt hơn chục năm trở lại đây. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của chính sách bảo tồn nguồn gen quý dược liệu.
Kho dược liệu quý tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang dần cạn kiệt
 
Nếu ai có dịp đi qua dãy núi Hoàng Liên Sơn hẳn không thể không ấn tượng trước vẻ đẹp của những mảnh rừng nguyên sinh hùng vĩ, nơi trú ngụ của không chỉ những cây gỗ quý mà còn của rất nhiều loài dược liệu vào hàng quý hiếm trên thế giới.
Giới chuyên gia nhận định: những cây thuốc mọc ở đây nhờ những điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Cùng một vị thuốc được trồng ở hai vùng khác nhau thì vị thuốc được trồng ở vùng núi Hoàng Liên Sơn tích tụ được những dưỡng chất và sinh khí tốt nhất và có công dụng chữa khỏi bệnh nhanh nhất. Vì vậy, sẽ là không quá khi cho rằng nơi đây sở hữu cả kho “vàng xanh” - nguồn gen dược liệu quý có khả năng giúp thoát nghèo cho những cộng đồng dân cư nơi đây.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, đó lại là câu chuyện của gần 20 năm về trước. Ước tính, đã có hàng tấn dược liệu được xuất lậu qua biên giới theo kiểu thủ công trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều người dân dù sống ngay cạnh “kho vàng” - là nguồn dược liệu quý lại không hề biết công dụng của nó, chỉ thấy được thu mua tại chỗ với giá cao nên đã không ngần ngại khai thác theo kiểu “chặt tận gốc, nhổ cả rễ”. Giảo cổ lam, hoàng tinh vàng, củ bình vôi trắng, huyết đằng… những cây dược liệu được xem là thế mạnh của Việt Nam cứ lần lượt bị khai thác tận diệt như thế.
Không chỉ ở kho dược liệu quý Hoàng Liên Sơn, vùng dược liệu Cao Bằng cũng cùng chung số phận. Không phải ngẫu nhiên mà ở tỉnh miền núi Đông Bắc này có tới hơn 800 thầy thuốc Đông y biết sử dụng những bài thuốc bí truyền từ đông dược để chữa bệnh trong dân gian. Đây là nơi mà thiên nhiên ưu đãi tới hơn 600 loài cây dược liệu quý, chữa được nhiều bệnh khác nhau từ nhóm điều trị ngoại khoa, sản khoa cho đến những loại dược liệu có khả năng kháng khuẩn, trừ virus, điều trị và hỗ trợ ung thư gan… Vậy mà tại tỉnh này, mỗi năm cũng có tới 300.000  – 500.000 tấn dược liệu được khai thác và bán cho đầu nậu rồi xuất qua biên giới.
Kiểu khai thác tận diệt trên đang khiến cho những thầy thuốc Đông y truyền thống không dễ tìm được những cây thuốc quý vốn có mặt trong các bài thuốc bí truyền. Một nghịch lý đã xảy ra: từng sở hữu những loài dược liệu thế mạnh, vậy mà Việt Nam giờ phải nhập khẩu trở lại tới 45 loài thuộc loại này như bồ công anh, hoắc hương, xạ can, cẩu tích… phục vụ sản xuất thuốc trong nước.
Câu chuyện khai thác tận diệt tài nguyên dược liệu quý này không phải bây giờ mới thấy. Chúng ta từng chứng kiến những đợt khai thác tận diệt với cái “bẫy” thu mua nhiều loài động vật với giá cao như sừng trâu, rắn… Vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn dính “bẫy” để lĩnh lấy những hậu quả lâu dài về sinh thái.
“Muộn còn hơn không”, sau nhiều năm chứng kiến nghịch lý từ sự khai thác tận diệt nhiều nguồn dược liệu quý, Viện Dược liệu TW cuối cùng đã triển khai được hai dự án “Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc” và dự án “Bảo tồn cây thuốc y học cổ truyền” với kế hoạch bảo tồn tới 730 loài cây thuốc; đồng thời đánh giá chi tiết và lập lý lịch giống cho 200 loài, trong đó có nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Rõ ràng, đó là những nỗ lực đầu tiên trong hành trình bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, nhưng xem ra nỗ lực này khó thành công nếu không có sự vào cuộc của từng địa phương - nơi sở hữu những kho “vàng xanh” có khả năng xoá nghèo cho những vùng dân cư quanh đó.
Không thể có hành động đúng nếu nhận thức chưa đúng tầm. Dược liệu là một nguồn tài nguyên và tài nguyên đó cần phải được bảo tồn, phát huy vì sự phát triển của cộng đồng và địa phương và làm sao để cân bằng giữa bảo tồn và khai thác.
Những ai từng dõi theo các cuộc đàm phán thương mại đa phương hẳn đã biết: trong những cuộc cãi vã căng thẳng về thương mại toàn cầu, có hai điều mà các nước nghèo cần nhất từ những nước giàu: đó là cắt giảm hàng rào thuế quan và giảm lợi nhuận từ các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, hỗ trợ giá thuốc cho các nước nghèo. Đổi lại là những điều kiện ngặt nghèo về thuế quan và mở cửa thị trường. Biết vậy để đừng khiến mình nghèo đi giữa kho “vàng xanh” mà thiên nhiên ban tặng./.
AGROINFO – Theo VOVNEWS

Tin khác