Công ty cổ phẩn Thủy sản Gentraco (Cần Thơ) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên, cùng nông dân xây dựng thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất Global Gap cho hạt gạo thơm.
Nông dân hả hê vì lúa bán được giá cao, còn Gentraco cũng khấp khởi không kém vì đầu ra của hạt gạo đầy hứa hẹn.
“Đây là lần đầu tiên, lúa thơm ST5 sản xuất theo quy trình và được công nhận tiêu chuẩn Global Gap” - kỹ sư Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, hớn hở cho biết.
Điều thú vị là HTX lúa- tôm Hòa Lời (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) sau khi đưa vào trồng đại trà giống lúa ST5 đã được Gentraco bao tiêu toàn bộ và đăng ký thương hiệu gạo thơm Ngọc Đông trên toàn quốc.
|
Đóng bao xuất khẩu gạo tại Công ty cổ phần Thuỷ sản Gentraco. |
“Khát nước gặp mưa”
Khoảng 8 năm trở lại đây, những giống lúa đặc sản ST được đưa ra nông dân trồng đại trà. Từ giống ST3, ST5, hay mới nhất là giống lúa ST hạt đỏ. Tất cả đều là lúa thơm, hạt dẻo, xốp mềm, giàu dinh dưỡng. Chỉ có điều, người nông dân với diện tích canh tác ít, thường không đủ chi phí vận chuyển lúa đến nhà máy chế biến gạo mà sản phẩm lúa thường được bán qua rất nhiều khâu trung gian làm thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng đáng kể.
Mặt khác, đối với nhà kinh doanh gạo xuất khẩu như Gentraco, những bất lợi về trữ lượng lúa gạo không đồng đều, độ ẩm và độ lẫn không thống nhất… làm cho sản phẩm đầu ra không thể ổn định và đảm bảo về chất lượng.
Để khắc phục được điều này, Gentraco đã từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ về chương trình liên kết 4 nhà, thực hiện đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường, kèm với việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cung cấp nguồn lúa giống xác nhận, đảm bảo chất lượng…
Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Gentraco, kể rằng, từ năm 2008, các cán bộ của Gentraco đã kết hợp cùng kỹ sư Cua… nghiên cứu và phát triển giống lúa thơm tại Sóc Trăng… Và dần dà, Gentraco đã tìm đúng đến HTX Hòa Lời.
Một chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, với chứng nhận Global Gap, sản phẩm rất dễ thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Chuyên gia này cho rằng, cách làm của Gentraco hoàn toàn hợp lý và sẽ là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong tương lai. Bởi không có gì hơn đối với một doanh nghiệp kinh doanh gạo là được thu mua sản phẩm sạch, đạt chuẩn, chất lượng đồng đều và không pha trộn.
|
Đôi bên cùng có lợi
Sau khi bàn bạc, Gentraco cùng tham gia khảo sát vùng sản xuất và quyết định mua lúa thơm tại HTX Hòa Lời với giá cao hơn các loại lúa thường. Và như lẽ đương nhiên, khi 12 hộ nông dân ở HTX Hòa Lời quyết tâm sản xuất lúa “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2009, Gentraco cũng hăng hái tham gia mua lúa. “Đợt đầu tiên mua được khoảng 100 tấn lúa, quy ra khoảng 50 tấn gạo đạt chuẩn” - ông Kiên nói.
Cũng cần nói thêm, hồi đầu năm 2008, một doanh nghiệp tại Sóc Trăng cũng toan tính xây dựng thương hiệu loại gạo thơm này, nhưng lại rất “đắn đo”! Do đó, không kém phần nhanh nhạy, Gentraco quyết định “nhảy vào” hỗ trợ nông dân, từ một số thiết bị sản xuất, hơn 140 triệu đồng cho vay không lãi, đến những cam kết về đầu ra.
Những hạt lúa “sạch” đúng tiêu chuẩn Global Gap sẽ được công ty mua với giá cao hơn thị trường 20- 25%. Năm 2010, Gentraco mua cao hơn lúa thường đến 33%! Và những năm tới, cũng với cam kết mua hết số lúa đạt chuẩn, Gentraco sẽ hỗ trợ nông dân toàn bộ chi phí để tái công nhận tiêu chuẩn này, khoảng hơn 3.000 đô la Mỹ/lần…
Ông Cua cho biết, quy ra với 1ha trồng lúa đạt chuẩn, riêng giá trị tăng thêm đã ở mức bình quân trên 6,76 triệu đồng, trong tổng số gần 20 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2010, tại HTX Hòa Lời đã có khoảng 32ha lúa đạt chuẩn và năm 2011 sẽ là 60ha. Nông dân yên tâm tăng dần diện tích, khi trồng lúa không sợ lỗ!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/45061p1c25/hop-tac-san-xuatgao-cao-cap.htm