Việt Nam là một nước nông nghiệp. Đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến.
|
Nông nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 1/3 trong GDP; tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 25.000 km2, chiếm khoảng 75% tổng diện tích đất của cả nước; tổng dân số nông thôn ước khoảng 62,9 triệu người, chiếm khoảng 72% tổng dân số của cả nước. Do đặc điểm của vị trí địa lý, nông nghiệp Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu hậu quả thiệt hại từ thiên tai như bão lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại,... và dịch bệnh như dịch cúm đối với gia cầm; dịch tai xanh đối với lợn; bệnh thuỷ sản đối với tôm, cua, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa... Thiên tai và dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề đối với cuộc sống nông dân và sản xuất nông nghiệp. Hậu quả của các vụ thiên tai, dịch bệnh lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, xói mòn những thành quả xoá đói, giảm nghèo, đe doạ đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo số liệu của Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, các loại thiên tai như bão, lũ, hạn hán và các loại thiên tai khác đã làm thiệt hại khoảng 1,5% GDP. Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những diễn biến khó lường.
Để giúp nông dân giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hàng năm ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để cứu trợ. Mặc dù đây là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, nhưng hiệu quả thu được chưa cao, số tiền cứu trợ chỉ mang tính chất khôi phục cuộc sống tối thiểu, chứ chưa giúp nông dân khôi phục và bù đắp được chi phí sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu: Xây dựng cơ chế bảo hiểm nông sản để chủ động bù đắp thiệt hại khi bị thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi, nhất là đối với lương thực. Để phát triển bảo hiểm nông nghiệp, Nghị quyết Trung ương 7 khoá X đã yêu cầu: Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, Văn kiện Đại hội XI tiếp tục chỉ đạo: phát triển các hình thức bảo hiểm phù hợp trong nông nghiệp.
Có thể nói, tuy việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã được tiến hành, nhưng dịch vụ bảo hiểm này ở nước ta mới manh nha. Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Nhìn chung, kết quả triển khai bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam rất hạn chế. Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ năm 2008 đạt 10.949 tỷ đồng, tuy nhiên, trong tổng doanh thu phí bảo hiểm này, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,015%). Thực tiễn cho thấy, sau mỗi lần hứng chịu thiên tai, rất nhiều nông dân dễ dàng trở nên trắng tay, trở về với nghèo đói, và Chính phủ phải hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh thua lỗ dẫn tới việc không hoạt động hoặc ngừng hoạt động bảo hiểm cây trồng, vật nuôi.
Bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo đời sống của người dân, an sinh xã hội; nâng cao vai trò phòng chống thiên tai để phát triển nông nghiệp bền vững. Để hình thành và phát triển thị trường bảo hiểm này, thiết nghĩ, trước mắt, các cơ quan chức năng cần xác định đối tượng, những loại rủi ro cần được bảo hiểm. Lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng làm thí điểm rồi nhân rộng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nông dân tham gia dịch vụ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, bù đắp chi phí cho doanh nghiệp triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng như hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm; Tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm; các tổ chức tín dụng, tài chính và nông dân cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai các loại sản phẩm theo từng vùng, miền, kênh phân phối, đội ngũ giám định...
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản